Cần sớm xây dựng lộ trình, ban hành các cơ chế cụ thể liên quan đến kinh tế tuần hoàn
Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế phát triển tất yếu, là cơ hội để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh. Do đó, cần sớm có lộ trình, ban hành các cơ chế cụ thể và khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi mô hình, đầu tư đổi mới sáng tạo theo hướng tuần hoàn.

Ngày 16/7/2025, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, tư duy kinh tế tuần hoàn không chỉ là một chiến lược sản xuất nông nghiệp, mà còn là một triết lý quản lý tối ưu hóa tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với mục tiêu giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa giá trị các nguồn lực đa dạng, tư duy tuần hoàn không chỉ mang đến lợi ích kinh tế, đem lại thu nhập tăng thêm cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.
Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế phát triển tất yếu, là cơ hội để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp nước ta, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Phòng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp những rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ. Việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều hạn chế, yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp;
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm sản xuất hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với hơn 60% dân số sống ở nông thôn, tuy nhiên nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào mô hình sản xuất truyền thống, khai thác tài nguyên theo chiều rộng, phát thải lớn, hiệu quả thấp và dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển kinh tế theo hướng "đóng vòng vật chất", sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chất thải, tái chế và tái sử dụng tối đa. Áp dụng kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, mà còn giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị gia tăng.
Nông nghiệp tuần hoàn là hệ thống sản xuất theo chu kỳ khép kín, giúp sử dụng tài nguyên nông nghiệp hiệu quả, các mô hình sản xuất nông nghiệp. Tuần hoàn hướng đến “giảm chi phí thất thoát, giảm phát thải” và tăng năng suất lao động, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng vật tư đầu vào trong sản phẩm xanh, sạch, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khẳng định, kinh tế tuần hoàn là tất yếu chứ không phải chỉ là sự lựa chọn cho nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn còn gặp nhiều khó khăn do khung chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình vào sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng tuần hoàn.
“Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có hệ sinh thái chính sách đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Nông dân – Nhà khoa học – Nhà đầu tư. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm xây dựng lộ trình, ban hành các cơ chế cụ thể và khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi mô hình, đầu tư đổi mới sáng tạo theo hướng tuần hoàn” - ông Thắng nói.