Cần sớm triển khai

Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đến Hoàng Mai.

Đây là tuyến ĐSĐT xuyên tâm có vai trò rất quan trọng, cần sớm được triển khai để giải quyết ùn tắc giao thông cho nội đô TP.

Tuyến ĐSĐT số 3 thí điểm của Hà Nội là tuyến đầu tiên do TP thực hiện, theo quy hoạch sẽ gồm 2 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và Ga Hà Nội - Hoàng Mai. Mới đây, tuyến ĐSĐT này tiếp tục được tính toán kéo dài đến thị xã Sơn Tây, chạy dọc theo Quốc lộ 32, tạo thành một vòng khép kín: Sơn Tây - Nhổn - Ga Hà Nội - Yên Sở - Cầu Diễn - Sơn Tây.

Đây có thể xem là tuyến ĐSĐT dài nhất, đi qua nhiều quận, huyện, thị xã nhất của Thủ đô, kết nối Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Bởi vậy vai trò và ý nghĩa của nó đối với giao thông Thủ đô là vô cùng quan trọng.

Ngay khi đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy được đưa vào hoạt động (ngày 8/8/2024), tuyến ĐSĐT số 3 đã thu hút đông đảo người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên trục Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy. Hiệu quả của nó khiến cho kỳ vọng về một tuyến ĐSĐT vừa là vành đai, vừa chạy xuyên tâm ngày càng lớn.

Hà Nội đã gấp rút triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến và được sự ủng hộ mạnh mẽ của các bộ, ngành, Chính phủ cũng như đông đảo Nhân dân Thủ đô. Nhưng trước mắt còn nhiều vấn đề cần rốt ráo giải quyết để có thể bắt tay vào xây dựng.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các dự án hạ tầng lớn nói chung và ĐSĐT nói riêng là khâu thủ tục. Mỗi dự án phải mất từ 2 năm trở lên để hoàn thiện các bước chuẩn bị đầu tư trên giấy tờ. Sau đó lại mất rất nhiều thời gian để xử lý những vấn đề phát sinh. Thực tế cho thấy, càng chờ đợi lâu, các dự án ĐSĐT càng có nguy cơ cao đội vốn, chậm tiến độ.

Giá thành đầu tư xây dựng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là đơn giá định mức xây dựng cũng như nhân công, công nghệ. Từ bài học đắt giá của đoạn tuyến Nhổn - Ga Hà Nội cho thấy, kéo dài thời gian từ khi lập dự toán cho đến khi bắt tay vào thi công sẽ phải trả giá bằng hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể những khoản phí phát sinh do chậm tiến độ, không thực hiện đúng hợp đồng với các nhà thầu, lãi vay…

Từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của tuyến ĐSĐT số 3, cũng như bài học nhãn tiền của một số dự án ĐSĐT đã qua, Hà Nội cần khẳng định quyết tâm, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng để giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư. Khâu chuẩn bị đầu tư được xem là bệ phóng cho mỗi dự án, cần được làm thật tốt, chuẩn chỉ, sát thực. Đơn giá định mức cần được xây dựng theo thời gian thực khi thi công dự án, hoặc điều chỉnh theo thời điểm, hoàn cảnh cụ thể.

Hà Nội rất cần sự cảm thông, hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan để giảm bớt những khó khăn, vướng mắc trong khâu thủ tục hành chính, rốt ráo triển khai dự án nhằm mục tiêu tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Càng để lâu các dự án hạ tầng lớn, đặc biệt với ĐSĐT sẽ càng đội vốn, đắt đỏ và chịu nhiều áp lực.

Minh Tường

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-som-trien-khai.html
Zalo