Cần sớm đưa ra 'đầu bài' để doanh nghiệp đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước sớm đưa ra 'đầu bài', tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch để doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), cho biết sẽ bắt tay ngay vào bước nghiên cứu khả thi, để đảm bảo khởi công dự án vào năm 2027.
Doanh nghiệp cần thông tin sớm để chuẩn bị
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC), khẳng định dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam ưu tiên doanh nghiệp trong nước đầu tư là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ông nói đây là sân chơi mới, có những khái niệm mới nên rất cần Bộ GTVT sớm đưa ra được “đầu bài” về năng lực tài chính, thi công, tỉ trọng tham gia của các nhà thầu liên danh nước ngoài… để các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Theo ông Phương, dự án này bao gồm nhiều gói thầu phức tạp, trong khi các doanh nghiệp đều muốn tham gia. Do vậy, nếu Bộ GTVT không sớm đưa ra “đầu bài” theo hướng tạo một sân chơi bình đẳng, minh bạch sẽ khiến mỗi doanh nghiệp đầu tư một kiểu, dẫn đến nơi thừa nơi thiếu.
Trường hợp Nhà nước đưa ra khuôn khổ pháp lý sớm, các doanh nghiệp sẽ ngồi lại với nhau, xem mình có thế mạnh gì để liên kết. Trường hợp thiếu có thể liên danh với nước ngoài, điều này không khó, có tiền là làm được.
Nếu không liên danh với doanh nghiệp “ngoại”, ông Phương cho biết có thể tìm con đường khác là nhập khẩu chuyên gia, kỹ sư. “Ở Việt Nam, Vinfast là tấm gương, tất cả công nghệ, thiết kế đều từ Đức, chuyên gia từ Ấn Độ, Bangladesh... Họ làm được, các doanh nghiệp giao thông cũng có thể làm…”- ông Phương nói.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cũng cho rằng Bộ GTVT cần sớm có hành lang pháp lý dành cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể ở đây là xem xét ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công. Bởi vì chúng ta quyết định được công nghệ, tiêu chuẩn sẽ tính ra được định mức, đơn giá, tiêu chuẩn…
Kiến nghị trên theo ông Tuấn Anh là để tránh trường hợp khi thực hiện yêu cầu phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng tiêu chuẩn nào thì lại chưa xây dựng, chưa có.
Dẫn chứng một số dự án đường bộ gặp khó về định mức xây dựng cơ bản, ông nói lúc đầu tưởng như rất đơn giản về khối đá dăm, đào đất, trung chuyển, nhưng chúng ta cũng rất loay hoay, sau hàng năm trời ý kiến của các doanh nghiệp mới ban hành được. “Sang một lĩnh vực mới hoàn toàn như lần này, cần lựa chọn công nghệ, các tiêu chuẩn mới ra sao phải thực hiện ngay, để tạo ra hành lang pháp lý…”- ông Tuấn Anh kiến nghị.
Trong khi đó, ông Trần Cao Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung, cho rằng sự liên kết, liên danh giữa các nhà thầu trong nước còn hạn chế, chưa bao giờ chúng ta ngồi lại, chia sẻ với nhau về thế mạnh riêng của mình để liên kết làm ăn. Với dự án này, ông Sơn mong cần có sự liên kết ấy.
Song song đó, ông Sơn cũng đề nghị Bộ GTVT sớm công bố cơ chế chính sách nào để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và dễ dàng tiếp cận dự án.
Đồng tình với các doanh nghiệp về việc cơ quan nhà nước cần sớm có hành lang pháp lý cho dự án, Đại tá Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, khẳng định công nghệ và thiết kế sẽ quyết định việc thành công của dự án. Tuy nhiên, từ trước đến nay chi phí khảo sát thiết kế rất thấp, khi xảy ra sự cố bị quy trách nhiệm, nhưng thực tế với chi phí thấp chỉ làm được như thế, không hơn.
“Vì vậy, tôi mong muốn Bộ GTVT cần ra đầu bài về chi phí khảo sát thiết kế để doanh nghiệp biết tham gia”- ông Phú nói.
Ngoài ra, ông Phú cũng đề xuất Bộ GTVT ở bước thiết kế cần thu hồi ngay các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, tránh trường hợp thiếu vật liệu khi thi công, hoặc phải mất nhiều thời gian đàm phán với người dân để có được trữ lượng vật liệu cho dự án.
Thêm vào đó, Bộ GTVT cần hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng. “Dự án nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào công tác này”- ông Phú nhấn mạnh.
Chi 437 triệu USD đào tạo nhân lực
Bộ GTVT cho biết báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã sơ bộ xây dựng đề án nguồn nhân lực. Theo đó dự kiến chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình (thực tập sinh nước ngoài, đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thế (cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, cơ quan quản lý vận hành khai thác). Tổng nhu cầu nguồn lực đào tạo khoảng 227.670 người.
Tổng kinh phí đào tạo con người khoảng 437 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 14,1 triệu USD đào tạo cho 1.170 người thuộc cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư; nguồn vốn doanh nghiệp khoảng 388 triệu USD đào tạo cho 14.000 người để phục vụ cho công tác quản lý, vận hành khai thác; nguồn vốn của doanh nghiệp và nguồn vốn ngân sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên khoảng 35 triệu USD đào tạo cho 212.500 người để phục vụ cho công tác thiết kế, thi công xây dựng.
Loại bỏ một số tiêu chí để chọn nhà thầu trong nước
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết Luật Đấu thầu đang quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phải đảm bảo từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương. Trong khi đó, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam, nếu xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp trong nước khó có thể tham gia đấu thầu.
Thực tế, hầu hết các nhà thầu ở Việt Nam chỉ là các nhà thầu thi công. Chưa kể, 90% các nhà thầu Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ, chủ yếu từ 200 tỉ trở xuống. Doanh nghiệp quy mô vốn 500 tỉ đồng và trên 1.000 tỉ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Doanh nghiệp có vốn trên 3.000 tỉ đồng gần như không có.
Hiện trong nước đề cập nhiều đến cơ chế chỉ định thầu, nhưng tiêu chí chỉ định thế nào cơ quan chức năng cần xác định cụ thể.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ cơ chế hỗ trợ về tài chính, vay tín dụng thế nào đối với các doanh nghiệp giao thông trong nước tham gia dự án. “Doanh nghiệp có thể lấy hợp đồng thi công vay vốn, tăng năng lực được không… ?”- ông Hiệp gợi mở.
Thêm một vấn đề cũng được ông Hiệp lưu ý cơ quan quản lý nhà nước, đó là định mức, đơn giá. Bởi lẽ, định mức chuyên ngành như cầu dây văng, cọc khoan nhồi … hiện chưa có.
“Dự án đường sắt cao tốc được làm theo tiêu chuẩn chính xác cao, đòi hỏi hệ thống định mức tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật phải thay đổi. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Xây dựng phải cùng vào cuộc để làm lại ngay hệ thống tiêu chuẩn…”- ông Hiệp nói.
Khẳng định doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư dự án, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, thông tin vừa qua đơn vị hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản và Trung Quốc. Mục tiêu chuyển giao công nghệ quản lý vận hành và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Với việc Quốc hội thông qua dự án, doanh nghiệp mong muốn khi triển khai lựa chọn nhà thầu, Nhà nước nên xem xét loại bỏ tiêu chí lựa chọn nhà thầu “từng tham gia một công trình tương tự", để tạo điều kiện cho các nhà thầu Việt Nam.
Thêm vào đó, việc tổ chức thực hiện cần tách thành hai hợp phần: Hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện theo hình thức chỉ định thầu tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua; Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài để chủ động tiếp cận công nghệ mới cùng các đối tác quốc tế.
“Với cách thức như vậy chúng ta sẽ dần tiến tới chuyển giao và làm chủ công nghệ từ thi công đến quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng thường xuyên…”- ông Huy nói.
Ông VŨ HỒNG PHƯƠNG, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT):
Nhà nước sẽ đảm bảo minh bạch, rõ ràng
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt. Ảnh: N.L
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn, nên Bộ GTVT sẽ thực hiện theo nguyên tắc “bước nào làm được ta tự làm, bước nào khó không làm được sẽ thuê tư vấn”.
Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu, trong các cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội chưa đề cập đến. Vì vậy, trong bước nghiên cứu khả thi sẽ thực hiện, phương án phân chia hợp phần và gói thầu, “đảm bảo minh bạch, rõ ràng” cho doanh nghiệp.
Về tiêu chuẩn, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt hệ thống hóa tiêu chuẩn lĩnh vực đường sắt, trong đó có đường sắt cao tốc.
Về cơ chế nguồn vật liệu sẽ học hỏi từ các Nghị quyết cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, từ đó tích lũy, làm việc với các địa phương, vướng gì cũng đều được điều chỉnh và đưa vào chính sách trình Quốc hội thông qua.
Ông TRẦN ĐÌNH LONG - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát:
Ngành thép “đã sẵn sàng”
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGỌC DIỆP
Là một doanh nghiệp cung cấp thép hàng đầu Việt Nam, chúng tôi rất vui khi Quốc hội thông qua dự án và sẵn sàng cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu. Tập đoàn đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Về giá cả, Hòa Phát đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.
Loại thép khó nhất trong bảng phân cấp chất lượng của châu Âu như thép sản xuất tanh lốp ô tô (thanh kim loại giúp kẹp lốp vào mâm xe), thép hợp kim dập nguội… được đánh giá mức độ 10 thì Hòa Phát đã sản xuất được cách đây hai năm, xuất khẩu đi Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thép làm ray cao tốc độ khó chỉ ở mức 8 và đích thân ông đã đi thăm nhiều nhà máy sản xuất ray cao tốc ở các nước G7 để tham khảo cách bố trí dây chuyền thiết bị, tổ chức sản xuất.
Hòa Phát cũng đã đàm phán, làm việc với các đối tác cung cấp thiết bị công nghệ cho Tập đoàn 25 năm nay như Danieli, SMS…đều là những nhà cung cấp thiết bị công nghệ sản xuất thép ray cao tốc hàng đầu thế giới. “Có thể nói, Hòa Phát đã sẵn sàng tham gia vào dự án đặc biệt quan trọng này của đất nước với cam kết về chất lượng và giá cả tốt nhất…