Cần sớm ban hành chế tài xử lý vi phạm liên quan thuốc lá thế hệ mới
Thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã chính thức bị cấm tại Việt Nam theo Nghị quyết 173/2024/QH15. Thế nhưng, lệnh cấm đã có, chế tài xử lý thì chưa, điều này đang tạo ra một khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả trong công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá .
Khoảng trống pháp lý đáng lo ngại
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện và lan rộng của thuốc lá thế hệ mới (gồm thuốc lá điện tử vape và thuốc lá nung nóng) đã trở thành một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội Việt Nam.

Thuốc lá thế hệ mới là hiểm họa với giới trẻ
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng các sản phẩm này từ ngày 1/1/2025 nhằm thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trước những tác hại ngày càng rõ ràng của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn hai tháng kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, các chế tài xử phạt cụ thể vẫn chưa được ban hành. Điều này dẫn đến tình trạng người sử dụng và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới gần như chưa phải đối mặt với bất kỳ hình phạt nào, tạo ra một khoảng trống pháp lý đáng lo ngại. Và nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã ban hành một lệnh cấm, nhưng lại thiếu công cụ để thực thi nên hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá chưa đạt được như kỳ vọng.
Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo dự thảo, mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng được đề xuất cho hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, với mức phạt gấp đôi nếu tái phạm, kèm theo hình thức tịch thu tang vật. Đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo mức phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thế nhưng, những quy định này chưa được ban hành chính thức, dẫn đến tình trạng lực lượng chức năng chưa thể áp dụng để xử lý vi phạm. Do đó, thực tế sau hơn hai tháng kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, tình trạng buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam dù không công khai như trước, nhưng trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok hay các nhóm kín, các bài đăng quảng cáo “pod vape giá rẻ”, “ship pod vape 24h” vẫn rất nhiều.
Các cửa hàng kinh doanh, dù đã đóng cửa, giảm số lượng so với trước khi lệnh cấm có hiệu lực, nhưng vẫn âm thầm hoạt động dưới hình thức “bán chui” hoặc chuyển sang giao dịch online. Cùng với đó, tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn, không khó để bắt gặp cảnh giới trẻ vô tư sử dụng pod, vape mà không hề lo ngại bị xử phạt. Bên cạnh đó, các hoạt động buôn lậu thuốc lá điện tử vẫn diễn ra phức tạp do nhu cầu của người dùng vẫn có.
Rõ ràng, khi chế tài chưa được ban hành, Nghị quyết dù có ý nghĩa lớn về mặt chính sách, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe để thay đổi thực tế. Khi không có các biện pháp hữu hiệu đi kèm ban hành chế tài xử lý, nếu kéo dài tình trạng này có thể sẽ tạo ra một khoảng trống trong chính sách, dẫn tới các hoạt động buôn lậu sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tiếp tục tăng mạnh. Điều này vừa gây thất thu thuế, vừa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân do sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Cơ quan quản lý thị trường xử lý vi phạm mua bán trái phép các loại thuốc lá thế hệ mới
Cần chặn đứng nguy cơ về một thế hệ “nghiện nicotine”
Việt Nam đã mất hàng chục năm để kiểm soát tác hại của thuốc lá truyền thống và đến nay, dù có nhiều chính sách hạn chế, số người hút vẫn rất cao. Vậy, chúng ta có lặp lại sai lầm này với thuốc lá thế hệ mới?
Thực tế, vape và thuốc lá nung nóng đang đi đúng con đường mà thuốc lá truyền thống đã từng trải qua. Ban đầu, các sản phẩm này được quảng bá là “sản phẩm ít độc hại hơn”. Sau đó, chúng phổ biến mạnh mẽ trong giới trẻ nhờ mẫu mã thời thượng, dễ tiếp cận. Khi tác hại bắt đầu rõ ràng, việc kiểm soát trở nên khó khăn vì quá nhiều người sử dụng.
Hiện tại, Việt Nam đang ở bước thứ hai khi Nghị quyết đã được ban hành nhưng chưa có chế tài xử lý cụ thể. Và thực tế, thuốc lá điện tử đã và đang xâm nhập vào giới trẻ, thậm chí có những em học sinh cấp hai đã sử dụng vape chứa ma túy. Nếu không có chế tài đủ mạnh ngay từ bây giờ, chỉ 5-10 năm nữa, chúng ta có thể lại rơi vào tình trạng giống như thuốc lá truyền thống, dù biết là nguy hại nhưng rất khó kiểm soát.
Lập luận “thuốc lá điện tử ít hại hơn” không thể là lý do để chậm trễ xử lý. Bởi lẽ, vấn đề không chỉ nằm ở mức độ độc hại, mà còn là tốc độ lan rộng. Hành động chậm đồng nghĩa với việc đối mặt với một thế hệ lệ thuộc vào nicotine theo cách mà chúng ta không thể đảo ngược.
Vì vậy, việc xây dựng khung xử phạt cần được đẩy nhanh, áp dụng ngay từ bây giờ để tránh tạo thêm một thế hệ nghiện nicotine mới.
Thực tế hiện nay tại một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore hay Thái Lan đều đã ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử từ rất lâu nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới một môi trường không khói thuốc lá. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong đợi khi tình trạng sử dụng và buôn bán trái phép vẫn tăng cao.
Trong đó, Thái Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt thuốc lá nói chung và cấm các thiết bị thuốc lá điện tử nói riêng từ năm 2014. Nhưng đến nay, sau hơn 10 năm thực thi, Thái Lan đang đối diện với tình trạng sử dụng và buôn lậu các sản phẩm này ngày càng gia tăng, mặc dù chính phủ nước này ban hành mức xử phạt rất cao, phạt tiền gấp 4 lần giá trị hàng hóa, phạt tù lên tới 10 năm hoặc áp dụng cả hai.
Hay Singapore đã cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử từ năm 2018, mức phạt lên đến 2.000 SGD (tương đương 36 triệu đồng) cho cá nhân sử dụng. Trong khi đó ở Úc, từ năm 2021, chỉ những ai có đơn thuốc từ bác sĩ mới được mua thuốc lá điện tử chứa nicotine. Mức phạt có thể lên đến 200.000 AUD (hơn 3 tỷ đồng) với tổ chức vi phạm. Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có quyền tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hàng trăm nghìn USD với các doanh nghiệp bán vape trái phép.
So sánh với đề xuất của Việt Nam chỉ phạt 1-2 triệu đồng đối với cá nhân sử dụng, có lẽ chúng ta cần mạnh tay hơn để đảm bảo tính răn đe. Rõ ràng, nếu muốn bảo vệ giới trẻ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa trong việc hoàn thiện chế tài xử lý.
Lệnh cấm đã có, nhưng nếu không có chế tài mạnh, thuốc lá thế hệ mới vẫn sẽ len lỏi, bám rễ trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta đã thấy bài học từ thuốc lá truyền thống – khi việc kiểm soát chậm trễ, hậu quả kéo dài hàng chục năm. Nếu Việt Nam hành động quyết liệt, thế hệ tương lai sẽ không phải đối mặt với một cơn khủng hoảng sức khỏe do nicotine.