Cần so sánh hiệu quả kinh tế giữa công trình xanh và truyền thống
Cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả kinh tế của công trình xanh, tập trung vào việc so sánh thời gian thu hồi vốn và hiệu quả sử dụng so với công trình truyền thống để cung cấp thông tin hữu ích cho người dùng.
Phát triển công trình xanh là xu thế tất yếu
Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu có mức phát thải thấp và các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng.
Ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và từ những công trình xanh đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, đến giữa năm 2024, Việt Nam đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu m2. Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu m2, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác.
Có thể thấy mặc dù tăng nhanh trong thời gian vừa qua, nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn. Như vậy, nhiều công trình xanh, đô thị xanh sẽ làm cho quốc gia xanh hơn. Chính vì vậy việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, chính sách phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu, cần phát huy trách nhiệm của mỗi cấp quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Theo ông Dương Đức Tuấn, công trình xanh là một trong những yếu tố cốt lõi giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển đô thị đối với môi trường. Các công trình cần được thiết kế để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên tự nhiên thông qua việc ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí thải nhà kính; đặc biệt là phát triển không gian xanh trong công trình giúp cải thiện vi khí hậu, tạo không gian sống trong lành, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.
"Phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược, đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại, xứng tầm với vị thế Thủ đô. Với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của cộng đồng. Tôi tin tưởng rằng Hà Nội sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành biểu tượng của phát triển bền vững", ông Dương Đức Tuấn chia sẻ.
Công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích
Theo ông Phạm Minh Hà, bên cạnh những thuận lợi từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hành động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh.
TS Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Vật liệu xây dựng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và quy trình đánh giá, chứng nhận vật liệu cho công trình xanh. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về vật liệu xanh vẫn còn gặp khó khăn về mặt pháp lý.
Theo TS Thái Duy Sâm, Viện Kinh tế Xây dựng cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả kinh tế của công trình xanh, tập trung vào việc so sánh thời gian thu hồi vốn và hiệu quả sử dụng so với công trình truyền thống để cung cấp thông tin hữu ích cho người dùng.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô. Tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 13/10/2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố xanh - thông minh - hiện đại; Nghị quyết tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh, và đảm bảo rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21/8/2023 của UBND Thành phố Hà Nội được ban hành nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đô thị bền vững đặt mục tiêu đến năm 2030...
Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các quy định, cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững. Các quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.