Cần rõ cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp như Petrovietnam để thực hiện dự án điện hạt nhân

Đây là kiến nghị của đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng 17/2 tại phiên thảo luận của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, để đảm bảo 'rõ người, rõ việc'. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cũng kiến nghị các cơ chế đặc thù về tài chính và trình tự, thủ tục để các tập đoàn kinh tế yên tâm thực hiện thành công mục tiêu rất áp lực do Chính phủ đặt ra.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: "Dứt khoát phải có tên chủ các đầu tư trong Nghị quyết về cơ chế đặc thù làm điện hạt nhân để đảm bảo rõ người rõ việc”.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: "Dứt khoát phải có tên chủ các đầu tư trong Nghị quyết về cơ chế đặc thù làm điện hạt nhân để đảm bảo rõ người rõ việc”.

Tại phiên thảo luận, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, với mục tiêu mà Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng đề ra là làm "nhanh nhất có thể" đưa nhà máy điện hạt nhân hoạt động thương mại vào năm 2030 và chậm nhất năm 2031 là mục tiêu rất áp lực với một dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp, do đó, cần có cơ chế rất đặc thù, cụ thể, rất rõ cho các chủ thể thực hiện.

Hiện trong dự thảo báo cáo thẩm tra, một số ý kiến cho rằng các chủ thể tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Petrovietnam không nên đưa tên cụ thể vào dự thảo cơ chế, đặc biệt là cơ chế liên quan tới doanh nghiệp, các cơ chế tổng thể. Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội Lê Mạnh Hùng, trong Nghị quyết về cơ chế đặc thù điện hạt nhân dứt khoát phải có tên chủ các đầu tư EVN, Petrovietnam để đảm bảo “rõ người rõ việc”.

“Các cơ chế phải rất rõ, đặc biệt là cơ chế tài chính đối với nguồn vốn chủ sở hữu là vốn đối ứng, rất lớn của chủ doanh nghiệp và nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định vay tín dụng xuất khẩu đối với những nhà cung cấp. Đặc biệt, EVN và Petrovietnam là 2 doanh nghiệp Nhà nước 100% thì nguồn vốn chủ sở hữu phải quy định rõ để tránh ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác mà EVN và Petrovietnam hiện nay đang triển khai”, đại biểu Lê Mạnh Hùng phân tích.

Đề xuất tiếp theo Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhắc tới cơ chế trình tự, thủ tục để triển khai các dự án siêu lớn này cũng phải quy định rõ ràng. Điểm nào được làm song song, điểm nào được thực hiện theo quy chế đặc thù là chỉ định thầu. Dự thảo của Chính phủ đã nêu rất rõ các giải pháp, đặc biệt là đối với việc triển khai song song quá trình đàm phán, lựa chọn nhà cung cấp về công nghệ thông qua hiệp định cùng với hiệp định về tín dụng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Mạnh Hùng cho rằng cần có cơ chế để bảo đảm nguồn lực tức là nguồn vốn chủ sở hữu của EVN và Petrovietnam. Đồng thời kiến nghị Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong quá trình thẩm tra có sự chia sẻ, thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, để các doanh nghiệp như EVN và Petrovietnam có thể thực thuận lợi thực hiện được nhiệm vụ được giao. “Nếu không có cơ chế đảm bảo này, doanh nghiệp như chúng tôi không thể làm được”, đại biểu Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo ĐBQH Lê Mạnh Hùng, chúng ta có thể tin tưởng về khả năng thực hiện, với sự giám sát của cơ quan năng lượng quốc tế và kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước.

Theo ĐBQH Lê Mạnh Hùng, chúng ta có thể tin tưởng về khả năng thực hiện, với sự giám sát của cơ quan năng lượng quốc tế và kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước.

Đồng tình với ý kiến của một số đại biểu về điện hạt nhân, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhận định, bản chất nhà máy điện hạt nhân là nhà máy nhiệt điện tương tự như các nhà máy nhiệt điện khác (than, khí, dầu…). Với nhà máy điện hạt nhân, phần phụ trợ còn không phức tạp bằng các nhà máy nhiệt điện than, khí đang làm, vì uranium mặc dù là nhiên liệu cháy nhưng quá trình sinh nhiệt là quá trình thực hiện phản ứng nhiệt phân hạch, cho nên không cần phải O2, không tạo ra CO2, không tạo ra SOx, NOx.

Bên cạnh đó công nghệ, thiết bị đều do các nhà thầu có bản quyền công nghệ cấp dưới sự giám sát rất chặt chẽ của Ủy ban Năng lượng quốc tế cho nên không quá quan ngại về vấn đề khả năng thực hiện các dự án này của các tập đoàn kinh tế trong nước.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cũng cho biết, Petrovietnam đã thực hiện tới 13 dự án về điện, trong đó có các dự án điện như Nhơn Trạch 3-4, Ô Môn 3-4. Đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, như dự án xuất khẩu các trạm tăng áp ngoài khơi sang châu Âu khối lượng lên tới 16.000 tấn/trạm và sắp tới sẽ đưa vào công trình ở Lô B tới 27.000 tấn, là một trong những công trình có quy mô lớn trên thế giới.

“Chúng ta có thể tin tưởng về khả năng thực hiện, với sự giám sát của cơ quan năng lượng quốc tế và kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước. Đề nghị Quốc hội tạo điều kiện thông qua việc thống nhất với Chính phủ cơ chế đặc thù cho các dự án điện hạt nhân để các tập đoàn kinh tế yên tâm thực hiện thành công mục tiêu rất áp lực do Chính phủ đặt ra”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiến nghị.

PV

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/can-ro-co-che-dac-thu-cho-cac-doanh-nghiep-nhu-petrovietnam-de-thuc-hien-du-an-dien-hat-nhan-724252.html
Zalo