Cần quyết tâm, nỗ lực để chạy nước rút, sớm cán đích giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu tại Tọa đàm 'Giải ngân vốn đầu tư công', ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân của cả nước chưa đạt như kỳ vọng là do còn một số khó khăn, vướng mắc của công tác này chưa được giải quyết triệt để. Hơn nữa, 1 số địa phương có kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của cả nước.
Chiều ngày 28/10/2024, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính tổ chức Tọa đàm "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công".
Ước 10 tháng giải ngân đạt gần trên 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Ông Dương Bá Đức cho biết, trên cơ sở nhận diện được các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung ĐTC thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích để có các chỉ đạo kịp thời. Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc việc giải ngân vốn ĐTC. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế tại nhiều dự án, nhất là những dự án quan trọng quốc gia cần phải được khẩn trương thi công để hoàn thành đúng tiến độ…
Với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn ĐTC, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch ĐTC năm 2024 như: Công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) gửi tới từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án; chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao.
Tổng nguồn kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024 là 806.300,8 tỷ đồng (ngân sách trung ương 280.125,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương 526.175 tỷ đồng). Trong đó, riêng kế hoạch vốn NSNN năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao là 680.075,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2024 tại một số địa phương. Qua đó, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm quyền và đôn đốc tới các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Tuy nhiên, theo ông Đức, kế hoạch giải ngân vốn ĐTC của cả nước 10 tháng qua chưa đạt như mong đợi. Theo đó, tính đến hết tháng 10/2024, ước cả nước giải ngân được trên 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đáng chú ý, hiện mới có 15 bộ, cơ quan trung ương và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Như vậy, còn tới 29 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số địa phương có kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (như TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng cũng chỉ giải ngân được 44,62%).
Ông Đức cũng cho biết thêm về kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải. Theo đó, tính đến hết tháng 9 vừa qua, các dự án này giải ngân đạt 47,1%, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung 9 tháng của cả nước (45,27%). Đồng thời, kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng có những cải thiện đáng kể, nhiều xã, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số lượng sản phẩm OCOP đạt 3 sao ngày càng tăng, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn dưới 1,9%.
Quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm
Đánh giá về công tác giải ngân vốn ĐTC từ đầu năm đến nay, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, có mặt được, có mặt chưa được.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên có các chỉ đạo rất sát sao; nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực và có hiệu quả nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Do vậy, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất cao.
Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, trong khi mục tiêu Chính phủ đưa ra là giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là áp lực rất nặng nề cho giai đoạn nước rút này. Do đó, theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp. “Vì thế, tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây” - ông Đức nhận xét.
Cũng theo ông Đức, một số điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn ĐTC đã được BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hàng tháng. Các vướng mắc chủ yếu là những liên quan trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; công tác lập, phân bổ kế hoạch; công tác tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu,...); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA…
Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, trong khi mục tiêu Chính phủ đưa ra là giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là áp lực rất nặng nề cho giai đoạn nước rút này. Do đó, theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Đầu tư cũng cho biết, nhằm hướng tới giải quyết triệt để các vướng mắc cố hữu lâu nay trong giải ngân vốn ĐTC, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án ĐTC để trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 10 như: Sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công...
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình sửa các Luật dựa trên nguyên tắc đó là: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc.
“Việc sửa đổi này được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính điểm nghẽn đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án ĐTC suốt nhiều năm qua” - ông Đức cho biết.