Cần quan tâm hơn đến vấn đề xây dựng xã hội học tập trong triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị

Với góp ý của GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về xây dựng xã hội học tập trong triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị -Thủ tướng nhấn mạnh: phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, tất cả mọi người phải bình đẳng tiếp cận vấn đề này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì Phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (chiều 2/11), về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo. Ảnh: VGP

Nhóm giải pháp tập trung triển khai Kết luận 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu các nhóm nhiệm vụ trọng tâm tập trung thời gian tới để triển khai Kết luận 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, để triển khai Kết luận 91, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước; kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.

Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non mới; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đề xuất các giải pháp tăng cường đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế… tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện ở Việt Nam, quan tâm đầu tư cho giáo dục chất lượng cao và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết 29 đề ra…

Xây dựng và triển khai chương trình đầu tư công kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP

Tất cả mọi người phải bình đẳng tiếp cận vấn đề xây dựng xã hội học tập

Góp ý kiến tại Phiên họp, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng trong Chương trình hành động triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm hơn đến vấn đề xây dựng xã hội học tập.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, một trong những yếu tố xây dựng xã hội học tập thành công là cam kết của chính quyền, thứ 2 là nguồn lực, thứ 3 là tạo được sự đồng thuận của toàn dân, những vấn đề ấy phải được nghiên cứu rất sâu để xây dựng một xã hội học tập tại Việt Nam.

Về vấn đề tiền lương cho nhà giáo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan bày tỏ, Thủ tướng đã rất quyết liệt đối với chính sách đổi mới cơ chế tiền lương cho nhà giáo và Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, khi chưa thể nâng được tiền lương theo hệ thống bảng lương cao nhất thì cần nghiên cứu trợ cấp cho nhà giáo, áp dụng như y tế cơ sở được 100% phụ cấp.

Các ý kiến tại phiên họp ghi nhận sự nỗ lực cố gắng và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ; đánh giá nội dung dự thảo Chương trình hành động cơ bản bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận 91 của Bộ Chính trị, nhất là chủ trương mới về giáo dục liên quan chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, nguồn lực đầu tư cho giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động, trình Chính phủ ban hành trong nửa đầu tháng 11/2024.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng và nhà nước luôn quan tâm, khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đổi mới giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, sự nghiệp giáo dục-đào tạo của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương này, nhất là trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Muốn vậy, phải quán triệt, thấm nhuần các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 29 và Kết luận 91; phải lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng: 5 yếu tố mang tính phương châm về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập

Về thời gian, thời gian là vàng, nếu chậm về thời gian là lạc hậu, bị bỏ lại phía sau, do đó các chính sách phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả.

Về yếu tố trí tuệ, Thủ tướng chỉ rõ, phát triển phải dựa vào giáo dục-đào tạo và đổi mới sáng tạo.

Về khát vọng, phải có đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt. Chúng ta đã xác định các mục tiêu phát triển tới năm 2030, 2045, nhưng giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu thì mục tiêu giáo dục và đào tạo phải đi sớm hơn.

Về phát huy tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Về hội nhập, chúng ta phải đi đúng xu hướng thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý 3 nội dung trong dự thảo Chương trình hành động.

Một là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục-đào tạo để có không gian sáng tạo; nâng cao tính tự chủ của các địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Hai là, nâng cao chất lượng học và dạy, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, việc dạy học phù hợp lứa tuổi học sinh, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực.

Ba là, xây dựng cơ chế đẩy mạnh hình thành một xã hội học tập và học tập suốt đời.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chương trình hành động, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về bố cục, nội dung, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ; bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII và cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ của Kết luận số 91 trong dự thảo Chương trình hành động, với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện được quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, "làm việc nào dứt điểm việc đó, làm việc nào ra việc đó", "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm", dễ đôn đốc, dễ kiểm tra, đánh giá.

Trong đó, cần lưu ý các nội dung liên quan đến rà soát quy hoạch mạng lưới, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các bộ môn khoa học cơ bản, các lĩnh vực truyền thống và các ngành kinh tế mới nổi (chip bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...); nguồn lực đầu tư cho giáo dục, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, đồng thời đào tạo ngoại ngữ khác theo nhu cầu.

Đối với các vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu dự họp, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, lưu ý một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong trong quý I/2025, hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Về việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc, bài học kinh nghiệm, lựa chọn phương án tốt, đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về nâng cao chất lượng nhân lực, quản lý viên chức ngành giáo dục, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đề xuất về biên chế ngành giáo dục và nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý biên chế, tiêu chuẩn viên chức. Chú ý bảo đảm đủ phòng học theo hướng tăng quy mô của các trường, xây dựng các trường theo mô hình liên cấp, giảm điểm trường, phù hợp thực tế, điều kiện hoàn cảnh đất nước và từng nơi.

Về nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng kết các mô hình tốt, cách làm hay để xây dựng chính sách huy động nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội, với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn tư tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.

Về các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Thủ tướng nêu rõ, phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, tất cả mọi người phải bình đẳng tiếp cận vấn đề này.

Nguồn: VGP

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/can-quan-tam-hon-den-van-de-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-trong-trien-khai-ket-luan-91-cua-bo-chinh-tri-179241103160820695.htm
Zalo