Cần quản lý chặt chẽ kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có lực lượng chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trần Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2025 – 2027; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2025 – 2027; thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, đây là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 17 và 18 Điều 6 (sửa đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại Khoản 1a Điều 42 (sửa đổi); quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử tại Khoản 4 Điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Đại biểu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép.

Theo đại biểu, dự thảo luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Phải quản lý về giá tất cả các loại thuốc

Nói về giá thuốc, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên họp.

Theo đại biểu, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc. Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau, nhất là với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội có gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn. “Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. Trong khi đó thì ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật Giá” – đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên họp.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất cần quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Cũng nói về giá thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, đang có sự bất cập giữa quy định về kê khai giá thuốc trong dự thảo luật này và Luật Giá hiện hành. Do vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật và đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa hai luật, tránh ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu và quản lý giá thuốc…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu phát biểu về công nghiệp dược, về ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý việc kê đơn thuốc, không để cho bác sĩ tự ý kê các đơn thuốc để được ăn "hoa hồng", việc triển khai kê đơn thuốc qua mạng cần được thực hiện từng bước và quyết liệt để đảm bảo quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn, theo dõi tốt hơn hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính...

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-quan-ly-chat-che-kinh-doanh-thuoc-theo-phuong-thuc-thuong-mai-dien-tu-i747904/
Zalo