Cần nhiều nguồn lực khi xây trường học mới

Theo đề xuất của Sở Giáo dục và đào tạo (GDĐT) từ năm 2025 đến 2027, Đồng Nai cần xây thêm 5 trường trung học phổ thông (THPT) công lập ở 5 địa phương có đặc thù về tuyển sinh. Tổng kinh phí để hoàn thành xây dựng 5 trường mới này dự kiến lên đến 1 ngàn tỷ đồng.

Học sinh thành phố Biên Hòa thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2024 tại Trường trung học phổ thông Ngô Quyền. Ảnh:C.Nghĩa

Học sinh thành phố Biên Hòa thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2024 tại Trường trung học phổ thông Ngô Quyền. Ảnh:C.Nghĩa

Thông tin sẽ có thêm nhiều trường THPT công lập mới đã khiến học sinh và phụ huynh ở các địa phương rất phấn khởi. Tuy nhiên, muốn có thêm trường mới thì phải “giải” được bài toán liên quan đến nguồn lực là tiền, đất và biên chế giáo viên.

“Cơn khát” trường công lập

5 địa phương được Sở GDĐT kiến nghị xây dựng thêm trường THPT công lập mới là thành phố Biên Hòa và 4 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và Thống Nhất. Mục đích của việc xây dựng thêm các trường THPT công lập là tăng tỷ lệ thu hút học sinh vào trường công lập, đồng thời giảm tỷ lệ thu hút học sinh vào trường THPT tư thục. Xây thêm trường mới được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho nhiều học sinh hoàn thành bậc trung học cơ sở sẽ tiếp tục được học lên bậc THPT công lập thay vì học nghề từ sớm theo định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Giám đốc Sở GDĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Năm 2025 có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 nếu được tăng biên chế

Điều kiện cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn khả năng để tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, tuy nhiên các trường lại thiếu biên chế. Vì vậy, năm 2025 nếu được tăng biên chế, sở sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 so với các năm trước.

Theo Sở GDĐT, những địa phương được đề xuất xây dựng thêm trường có một số đặc thù nhất định. Đơn cử như thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom là 2 hai địa phương đang huy động học sinh vào trường THPT tư thục với tỷ lệ cao do trường công lập ít, hệ thống trường tư thục phát triển. Trong khi đó, 3 huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Nhơn Trạch, tỷ lệ học sinh vào trường công lập thấp do số học sinh đông, trường công lập lại ít, trường tư thục cũng chưa nhiều.

Ngoài nguyên nhân thiếu trường thì có một bất cập khác là, các trường THPT công lập hiện vẫn còn khả năng tiếp nhận học sinh nhưng lại không được cấp đủ biên chế giáo viên để tổ chức dạy học. Giám đốc Sở GDĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết: “Nếu như năm 2025 sắp tới, ngành GDĐT được cấp thêm biên chế giáo viên thì sở sẽ tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường so với các năm trước để giảm áp lực thi cử, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời tận dụng tối đa cơ sở vật chất đã đầu tư”.

Bài toán khó về nguồn lực

Muốn đưa một trường THPT công lập đi vào hoạt động sẽ cần đến nhiều nguồn lực, trong đó có kinh phí xây dựng, đất sạch phù hợp quy hoạch giáo dục, biên chế giáo viên, chi phí hoạt động thường xuyên, chi lương giáo viên được cấp từ ngân sách hàng năm. Chính vì vậy, muốn biến đề xuất xây dựng thêm 5 trường THPT công lập sớm thành hiện thực là việc không dễ, nhất là trong điều kiện học sinh của tỉnh rất đông (chỉ sau Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Hiện chi phí hoạt động thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục vẫn đang chiếm đến hơn 40% tổng chi thường xuyên của toàn tỉnh hàng năm. Đây là tỷ lệ chi khá cao, có thể làm giảm nguồn lực chi đầu tư phát triển khác.

Khi xây dựng 5 trường mới, ngoài vốn đầu tư công khoảng 1 ngàn tỷ đồng còn có chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí lương từ nguồn sự nghiệp từ 35-41 tỷ đồng/năm và sẽ tăng kéo dài trong vòng 3 năm tiếp theo. Điều đáng lưu ý là, theo dự báo, trong giai đoạn 2025-2027 nhu cầu về vốn đầu tư công với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và nông thôn của tỉnh cần bố trí rất lớn, trong khi đó việc huy động nguồn lực vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo Giám đốc Sở GDĐT Trương Thị Kim Huệ, để có thể nâng tỷ lệ học sinh vào trường THPT công lập từ 65 lên 75% (tương đương tăng thêm với 6 ngàn đến 8 ngàn học sinh) thì cần từ 900 đến 1,2 ngàn biên chế mới. Như vậy trong 3 năm tới (từ 2025 đến 2027), mỗi năm sẽ cần tăng thêm 300-400 biên chế mới cho những trường được thành lập mới, chưa kể nhiều trường hiện vẫn đang thiếu biên chế. Trong khi đó, vấn đề biên chế giáo viên hiện vẫn là bài toán rất khó, nhất là trong điều kiện Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở các đơn vị công lập.

Một khó khăn lớn khác khi xây trường mới còn nằm ở khả năng sẵn sàng bố trí về quỹ đất sạch và phù hợp với quy hoạch đất giáo dục của các địa phương. Đơn cử như thành phố Biên Hòa, địa phương này chật vật cả chục năm nay nhưng chưa giải quyết được tình trạng quá tải trường lớp ở hầu hết các bậc học, trong đó có nguyên nhân từ thiếu quỹ đất sạch. Nhiều khu đất dù được quy hoạch cho giáo dục thế nhưng thực tế vẫn là đất của dân và đang có công trình nhà ở trên đất. Nếu muốn có đất xây trường, các địa phương sẽ phải mất thêm rất nhiều chi phí lẫn thời gian đền bù, bố trí tái định cư cho người dân…

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/can-nhieu-nguon-luc-khi-xay-truong-hoc-moi-c0f5831/
Zalo