Cần thêm trạm sạc cho xe điện

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam đang bứt tốc mạnh mẽ, thậm chí có thể sẽ dẫn đầu khu vực trong năm nay. Dù vậy, yếu tố 'trạm sạc' vẫn là điều cần quan tâm thúc đẩy nếu muốn người dân mua nhiều xe điện hơn nữa.

Năm 2023 có lẽ là dấu mốc cho sự bứt phá của thị trường ô tô điện tại Việt Nam. Trong số hơn 300 nghìn xe du lịch bán ra trong năm 2023 thì có tới 31 nghìn xe điện, tương đương khoảng 10%.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tỷ lệ người mua ô tô điện cao nhất Đông Nam Á.

Xét về doanh số xe điện năm 2023, Việt Nam cũng đứng thứ hai, chỉ sau Thái Lan (khoảng 49 nghìn xe).

Thị trường xe điện tại Việt Nam đang có bước phát triển tốt nên hạ tầng trạm sạc cần đi trước một bước.

Thị trường xe điện tại Việt Nam đang có bước phát triển tốt nên hạ tầng trạm sạc cần đi trước một bước.

Thị trường xe điện Việt Nam năm 2024 chắc chắn cũng sẽ là điểm nhấn trong bức tranh chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông vận tải. Lý do, bởi ngoài VinFast đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần, đã xuất hiện những thương hiệu xe điện hàng đầu của Trung Quốc, như: BYD, Chery, GAC...

Đặc biệt, phải kể đến thành công vang dội của mẫu xe VinFast VF 3. Chỉ sau vài ngày mở bán, mẫu xe điện cỡ nhỏ này đã có tới 27 nghìn đơn đặt cọc và thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân.

Bên cạnh đó, trào lưu taxi chuyển đổi sang sử dụng xe điện cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo một số dự báo, thị trường xe điện tại Việt Nam năm nay sẽ đạt ngưỡng khoảng 50 nghìn xe.

Theo một số nguồn tin, sau khi chính sách giảm lệ phí trước bạ không được thông qua, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa đưa ra mức dự báo thị trường ô tô năm 2024 chỉ đạt khoảng 320 nghìn xe. Như vậy nếu đạt mức doanh số khoảng 50 nghìn, thị phần xe điện tại Việt Nam sẽ nâng lên gần 16% toàn thị trường.

Trong giai đoạn khởi đầu của thị trường xe điện, yếu tố quan trọng nhất là hệ thống hạ tầng trạm sạc. Tại Việt Nam hiện nay chỉ có VinFast đang có hệ thống hạ tầng trạm sạc cơ bản đáp ứng nhu cầu người mua, với khoảng 150 nghìn cổng sạc trên khắp 63 tỉnh, thành.

Dù đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng trạm sạc và nếu tính số lượng đầu xe đang lưu hành trên số cổng sạc thì có lẽ còn đang dư thừa công suất. Tuy nhiên ở phạm vi cục bộ, nhất là ở nội đô các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… số trạm sạc hiện nay đã đủ những người đã và đang có ý định mua xe điện hoàn toàn yên tâm thì chưa hẳn và có lẽ vẫn phải tiếp tục đầu tư thêm.

Thực tế hầu hết người dùng xe điện hiện nay di chuyển nhiều hơn trong thành phố nên nhu cầu về trạm sạc trong nội đô, ở các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng… vẫn còn thiếu.

Thời gian qua, ngoài doanh số ấn tượng của xe VinFast, sự xuất hiện của những thương hiệu mới cũng hứa hẹn sự bùng nổ xe điện trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế đến nay hầu hết các thương hiệu xe điện mới đều không tính đến việc đầu tư hạ tầng trạm sạc mà phụ thuộc vào các đơn vị đầu tư, kinh doanh độc lập và các đại lý mà họ phát triển.

Hầu hết các thương hiệu xe điện mới cũng chưa có sự hỗ trợ đáng kể nào với các đơn vị phát triển trạm sạc. Do vậy, các doanh nghiệp phát triển trạm sạc đều đang tự đầu tư và chấp nhận những rủi ro, vì rất khó đoán định nhu cầu sử dụng.

Ai cũng biết về quy luật "có cầu ắt có cung". Tuy nhiên, khi các đơn vị cung cấp hạ tầng trạm sạc chưa thể chắc chắn và dự đoán chính xác tốc độ gia tăng xe điện do các chính sách hỗ trợ chưa nhiều thì chắc chắn họ chưa thể mạnh dạn gia tăng mức độ đầu tư.

Quan sát có thể thấy, nếu 1-2 năm trước tốc độ đầu tư, phát triển trạm sạc có sự khởi sắc thì hiện nay đang có những dấu hiệu chững lại. Nhà đầu tư trạm sạc sau thời gian đẩy mạnh đầu tư nay đã cẩn trọng hơn để thăm dò các kịch bản phát triển và tính toán lại hiệu quả đầu tư.

Lại quay về bài toán "con gà quả trứng" theo quy luật của thị trường. Nghĩa là trạm sạc sẽ tăng lên khi có nhiều xe điện. Nhưng ngược lại, nếu cứ đợi có nhiều xe điện thì mới đầu tư trạm sạc thì chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển của loại xe này. Trạm sạc chưa thực sự thuận tiện thì người dân sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi xuống tiền mua xe.

Vì thế, để thúc đẩy phát triển xe điện nhằm thực hiện lộ trình giảm phát thải ròng về "0", rất cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng, nhất quán và phù hợp để thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư trạm sạc.

Mục tiêu cuối cùng của việc này là để người dân thấy được những lợi ích và sự thuận tiện khi chuyển đổi sang xe điện.

Tiến Mạnh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/can-nhieu-hon-tram-sac-cho-xe-dien-192240812000137666.htm
Zalo