Cân nhắc thúc đẩy khung khổ pháp lý cho tài sản số

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy khung khổ pháp lý cho tài sản số và các giao dịch liên quan tới tài sản số để hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này phát triển, qua đó mang lại nhiều lợi ích tích cực cho nền kinh tế, đồng thời ngăn chặn được các rủi ro phát sinh.

Thị trường tỷ đô, cần hành lang pháp lý

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số nói chung, công nghiệp công nghệ số nói riêng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dẫn đến thực tế các tài sản số (hay tài sản mã hóa) phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây và ngày càng trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu. Ngay tại Việt Nam, tài sản số đã trở nên phổ biến trên thực tế.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung, có rất nhiều con số nói về tài sản số tại Việt Nam. Điển hình theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, quy mô thị trường tài sản số (tài sản mã hóa) Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Trong các năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Năm 2023 Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Đặc biệt, 2 quốc gia gần với chúng ta là Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và thứ 3.

Từ nhu cầu thực tiễn, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý thị trường tài sản số

Từ nhu cầu thực tiễn, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý thị trường tài sản số

Vì đây được xem là dạng tài sản mới nên vấn đề thiết kế chính sách, khung pháp lý ra sao để có thể quản lý, tận dụng nguồn tài sản này là rất quan trọng. Ông Phan Đức Trung cho rằng, cách định nghĩa khung pháp lý tốt nhất hiện nay là từ Hội đồng Đại Tây Dương, họ chia khung pháp lý ra thành 4 tiêu chuẩn đánh giá với từng quốc gia, gồm: (i) Chính sách thuế; (ii) Các tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (gọi là ALM và CFT); (iii) Chính sách bảo vệ người tiêu dùng; (iv) Chính sách cấp phép.

Một kết quả khảo sát trên 60 quốc gia (có cả Thái Lan, Campuchia, Việt Nam…) năm 2023 của Hội đồng Đại Tây Dương (tiến hành khảo sát dựa trên việc chia ra các nước đã có khuôn khổ pháp lý; khuôn khổ pháp lý đang hoàn thiện; và chưa có khuôn khổ pháp lý về tài sản số) cho thấy, 33 quốc gia đã công nhận tính hợp pháp; 17 quốc gia có chính sách rõ ràng một phần và 10 quốc gia cấm toàn bộ. Trong đó, điểm đặc biệt là 12 quốc gia (chiếm 52% GDP toàn cầu) đã có khuôn khổ pháp lý, chính sách rất rõ ràng. Bên cạnh đó, trong 4 tiêu chuẩn trên, Thái Lan đã đạt tất cả nhờ triển khai xây dựng các chính sách dài từ năm 2018; Campuchia đã đạt được tiêu chuẩn về cấp phép; còn Việt Nam hiện cả 4 mục đều không có.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, chính vì chúng ta chưa có khung khổ pháp lý chính thức nên thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam. Ví dụ như Tập đoàn Sky Mavis - một doanh nghiệp kỳ lân công nghệ thuần Việt Nam có hệ sinh thái game - nhưng do chúng ta chưa có khung khổ pháp lý cho tài sản trong game và hoạt động của họ dựa trên cơ sở nội dung số, tài sản số rất lớn, nên cuối cùng họ đã chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở. Thực tế, đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nhưng nếu không có khung khổ pháp lý thì các giao dịch này trở nên rủi ro, mong manh, những người liên quan không được bảo vệ. “Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, nhu cầu có khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thị trường phát triển lành mạnh và tương lai dòng thuế mới

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, chính vì thế việc lần đầu tiên (tại Điều 8), dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số có quy định về tài sản số được xem là một trong những điểm nổi bật. Khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển, đồng thời quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này sẽ được bảo vệ.

Cụ thể tại Điều 8 của dự thảo luật, khẳng định: "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan". Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.

Liên quan đến nghĩa vụ thuế, ông Trương Bá Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay chúng ta có 3 chính sách thuế liên quan đến điều chỉnh mua bán, chuyển nhượng, giao dịch tài sản, gồm: Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng. Thực tế hiện nay, 3 luật thuế trên đã quy định khá rõ về người nộp thuế, đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế và thuế suất. Nên trong trường hợp tài sản số được quy định trong luật là tài sản (như dự kiến ở Luật Công nghiệp công nghệ số) thì có căn cứ để thực hiện thu thuế. Tuy nhiên, ông Trương Bá Tuấn cho rằng, tài sản số có rất nhiều loại hình mà chúng ta cần định nghĩa rõ. Cho nên, ngay cả về khái niệm tài sản số cũng cần phải thống nhất để phân loại đúng, bởi vì mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế.

Các chuyên gia nhận định, sẽ có một dòng thuế mới xuất hiện trong tương lai của Việt Nam khi tài sản số được xem là một loại tài sản và các hoạt động liên quan đến tài sản số được bao quát bởi các quy định pháp luật. Còn nếu trong trường hợp pháp luật chưa bao quát được các hoạt động liên quan đến tài sản số thì chúng ta không có căn cứ để hoàn thiện pháp luật về thuế, bởi pháp luật về thuế chỉ quy định về thuế gắn với đặc trưng, đặc điểm, hoạt động quy định ở pháp luật chuyên ngành. Do đó, Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến được xem xét, thông qua tới đây có thể xem là khởi đầu tích cực, là nền tảng để chia sẻ từ giá trị tài sản số với các luật khác đã có. Nói cách khác, cần sự điều chỉnh để đồng bộ trong hoàn thiện các pháp luật có liên quan để quản lý thị trường tài sản số. Bởi các quy định về tài sản, hay liên quan đến chế định, quyền sở hữu… phải là những đạo luật như Bộ luật Dân sự.

Đỗ Phạm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-nhac-thuc-day-khung-kho-phap-ly-cho-tai-san-so-154924.html
Zalo