Cân nhắc thời điểm tăng giá dịch vụ xe ra, vào bến tại Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2255 quy định mức giá tối đa dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô đối với xe ô tô vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe vào bến trả khách, xe trung chuyển khách.

Chưa điều chỉnh ngay giá dịch vụ xe ra, vào bến

Trao đổi với PV Báo Xây dựng về Quyết định 2255 quy định khung giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (đơn vị đang quản lý các bến Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm) cho biết: Quyết định mới của Thành phố thay thế Quyết định số 3270 đã được áp dụng suốt 13 năm qua, trong khi giá vé xe khách đã nhiều lần điều chỉnh tăng.

Các bến xe trên địa bàn Thủ đô dần hoạt động ổn định trở lại sau dịch Covid-19.

Các bến xe trên địa bàn Thủ đô dần hoạt động ổn định trở lại sau dịch Covid-19.

Ông Hùng đánh giá việc ban hành Quyết định mới là hợp lý, tuy nhiên hiện các bến xe do công ty quản lý chưa áp dụng mức giá mới. Việc điều chỉnh giá dịch vụ ra, vào bến sẽ được doanh nghiệp nghiên cứu và dự kiến áp dụng từ năm 2026.

Cũng theo ông Hùng, ngay sau khi UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2255, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã gửi văn bản thông báo tới các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại các bến xe của công ty, khẳng định tiếp tục giữ nguyên mức giá dịch vụ hiện hành nhằm đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và tránh gây xáo trộn trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, mức giá hiện hành tiếp tục được giữ nguyên tại các bến Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm cho đến hết ngày 31/12.

Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ tiến hành nghiên cứu thực tế về nhu cầu đi lại của hành khách, đặc điểm thị trường vận tải và hoạt động của doanh nghiệp để xây dựng phương án điều chỉnh giá hợp lý, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ Quyết định số 2255 của UBND thành phố.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cũng khẳng định, việc tăng giá dịch vụ đang trong quá trình được bến này nghiên cứu, hiện tại chưa áp dụng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Đỗ Văn Bằng nhận định, trong bối cảnh mặt bằng giá cả tăng chung, việc Hà Nội điều chỉnh giá dịch vụ xe ra, vào bến là hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là thành phố cần cân nhắc kỹ về thời điểm áp dụng.

Ông Bằng cho biết, hiện các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định tại Hà Nội đang hoạt động rất khó khăn. Sau dịch Covid-19, xe dù, bến cóc và các loại hình xe ghép, xe đi chung phát triển mạnh, khiến lượng khách đi xe tại các bến sụt giảm đáng kể.

"Nhiều xe xuất bến với tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Để kích cầu, thu hút xe vào bến, nên tạm thời giữ nguyên mức giá dịch vụ như trước đây. Hiện mức giá TP Hà Nội đang áp dụng đã cao gấp đôi so với nhiều tỉnh", ông Bằng nói.

Chung quan điểm, đại diện Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Xây dựng Bảo Yến – đơn vị có xe khách chạy tuyến Tuyên Quang, Bắc Ninh – cho biết: "Phí xe khách ra, vào bến tại Hà Nội hiện đã cao hơn gấp đôi so với nhiều địa phương.

Nếu tiếp tục tăng, các doanh nghiệp tuyến cố định sẽ càng gặp khó khăn, buộc phải tính đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh khác, từ đó làm gia tăng tình trạng bỏ bến". Theo vị này, trong bối cảnh hiện tại, TP Hà Nội nên tiếp tục áp dụng mức giá cũ để doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định.

Một doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đi Thanh Hóa cũng bày tỏ lo ngại, cho rằng mức phí mới là quá cao trong khi doanh nghiệp đang vật lộn phục hồi sau đại dịch. "Chúng tôi mong các bến xe tạm thời chưa áp dụng biểu giá mới để doanh nghiệp có thêm thời gian ổn định lại hoạt động", đại diện doanh nghiệp nói.

Hành khách tới bến xe di chuyển đi các tỉnh. Ảnh minh họa.

Hành khách tới bến xe di chuyển đi các tỉnh. Ảnh minh họa.

Mức giá tối đa mới tăng gấp 2 - 5 lần sau 13 năm

Trước đó, ngày 29/4, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2255/QĐ-UBND quy định mức giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn thành phố.

Quyết định này áp dụng cho các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác bến xe và các doanh nghiệp vận tải sử dụng dịch vụ bến xe.

Theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng mức giá trên thành phố Hà Nội ban hành tăng sau hơn chục năm, từ năm 2012 đến nay. Mức phí theo cự ly tăng gấp 2 - 5 lần so với thời điểm năm 2012. Tại lần ban hành này, UBND thành phố Hà Nội có mức giá cụ thể hơn cho từng cự ly so với trước.

Theo đó, xe khách tuyến cố định chạy nội tỉnh áp mức 3.080 đồng/ghế.

Với tuyến liên tỉnh, theo Quyết định mới của thành phố, cự ly tuyến dưới 100km: 4.760 đồng/ghế; từ 101- 150km: 5.320 đồng/ghế; từ 151 - 300km: 5.600 đồng/ghế; từ 301 - 500km: 7.000 đồng/ghế; từ 501 - 900km: 10.080 đồng/ghế; từ 901- 1.500 km: 13.300 đồng/ghế và từ trên 1.500km: 15.400 đồng/ghế.

Xe buýt nội tỉnh (trợ giá) áp mức 14.000 đồng/lượt trong khi buýt kế cận (không trợ giá): 63.000 đồng/lượt; buýt liên tỉnh: 96.000 đồng/lượt.

Mức giá tối đa cho xe vào bến trả khách ≤ 29 ghế: 49.000 đồng/lượt; xe > 29 ghế: 70.000 đồng/lượt. Xe trung chuyển khách: 16.000 đồng/lượt.

UBND thành phố giao Sở Xây dựng triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định về giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô.

Các đơn vị quản lý, khai thác bến xe và doanh nghiệp vận tải cần xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ phù hợp, đảm bảo ổn định trong 5 năm, đồng thời ký hợp đồng và niêm yết giá công khai theo quy định pháp luật.

Lê Tươi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/can-nhac-thoi-diem-tang-gia-dich-vu-xe-ra-vao-ben-tai-ha-noi-192250510094016956.htm
Zalo