Cân nhắc tăng mức hưởng trợ cấp

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện bằng 60% mức bình quân tiền lương đã đóng là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người khi bị mất việc làm, nên hiện chưa xem xét tăng mức hưởng.

Lao động chờ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: L.H.

Lao động chờ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: L.H.

Kiến nghị tăng mức hưởng lên 75%

Luật hiện hành quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN. Người lao động đóng BHTN đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng, thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Mới đây, góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp. Tổng LĐLĐ Việt Nam lý giải, hiện nay đa số các doanh nghiệp đóng BHTN theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp. Do đó, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.

Về vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, theo quy định tại dự thảo Luật, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Trong khi mức trần đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng quy không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Như vậy những người lương cao sẽ đóng cao hưởng ít, chưa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của chính sách.

Hỗ trợ người lao động có việc làm ổn định

Trước đề xuất trên, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, mục tiêu của chính sách BHTN là người lao động quay trở lại thị trường lao động một cách nhanh nhất và cung cầu được kết nối. Vì vậy, Quỹ BHTN có nhiều chế độ, trong đó trợ cấp thất nghiệp để người lao động trong quá trình mất việc làm vẫn có khoản tiền đảm bảo đời sống. Hay người lao động tham gia BHTN được hưởng chính sách đào tạo nghề.

“Nếu kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hay tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải đóng thêm tiền. Bởi hiện nay đang đóng BHTN ở mức tối thiểu nhưng lại hưởng tối đa, cần phải cân đối khả năng rủi ro của Quỹ BHTN” - ông Bình lý giải.

Theo TS Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc duy trì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như hiện nay (60%) sẽ là động lực thúc đẩy người lao động phải tích cực tìm được việc làm mới nhằm bù đắp những khoản thiếu hụt trong chi tiêu hàng ngày.

Tương tự, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và xã hội, Bộ LĐTBXH cũng cho rằng có thể tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75% khi cân đối được Quỹ BHTN để người lao động đảm bảo được cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm. Có như vậy họ mới yên tâm học nghề để chuyển đổi công việc hoặc bồi dưỡng kỹ năng. Nhưng cơ bản lâu dài thì chính sách này hướng vào việc hỗ trợ người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động thì mới mang ý nghĩa lớn đối với họ.

Đề cập đến Quỹ BHTN, trong báo cáo tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ LĐTBXH cũng đánh giá, nhìn chung, Quỹ được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ theo quy định. uy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có BHTN, dẫn đến việc hưởng chính sách BHTN sai quy định (chiếm 3,2% tổng số trường hợp phải thu hồi).

Đồng thời, một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về BHTN. Vì vậy, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LDTBXH đề xuất mức đóng dự kiến cũng được sửa đổi theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-nhac-tang-muc-huong-tro-cap-10292745.html
Zalo