Cân nhắc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến để kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp vào tháng 10 tới đây, có rất nhiều nội dung sửa đổi được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tích cực và nhìn nhận là có tính khả thi cao.

Mở rộng nhiều lĩnh vực ưu đãi thuế

Theo đó, văn bản này đã bổ sung nhiều nhóm vấn đề quan trọng về chính sách thuế TNDN, bao gồm: các quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; bổ sung gần 30 loại “thu nhập khác” được tính là thu nhập chịu thuế TNDN; bổ sung thêm các khoản thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài phải chịu thuế khi kinh doanh tại Việt Nam; bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản chi được khấu trừ khi tính thuế TNDN.

Sửa Luật Thuế TNDN kịp thời tháo để gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Sửa Luật Thuế TNDN kịp thời tháo để gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Đáng chú ý nhất là dự thảo văn bản luật này đã bổ sung các quy định về thuế suất TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm; thuế suất 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu từ trên 3 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, những ngành nghề thuộc các nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển, như: ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số; cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng; đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học; sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, sản xuất, lắp ráp ô tô... đều được xếp vào nhóm được hưởng ưu đãi thuế.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế TNDN với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 12.600 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với hơn 94% số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là nhỏ và siêu nhỏ thì tác động tích cực của chính sách thuế này là khá lớn đối với nền kinh tế.

Đồng quan điểm, hầu hết các chuyên gia cho rằng, chính sách giảm thuế TNDN với nhóm này đưa ra trong bối cảnh hiện nay là phù hợp và có tính khả thi cao. Bởi phần thiếu hụt do ưu đãi thuế doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phần nào có thể bù đắp bởi các loại thuế gián thu và các nguồn thu khác. Ngoài ra, khi được ưu đãi thuế, tình trạng trốn thuế, nợ thuế cũng sẽ giảm, các doanh nghiệp cũng sẽ sử dụng nguồn tiền này cho tiêu dùng và đầu tư. Từ đó, tạo động lực cho tăng thu thuế TNDN các năm tiếp theo khi doanh nghiệp phục hồi, tái đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Luật hóa cụ thể để giảm tránh rủi ro

Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, chính sách thuế TNDN ảnh hưởng trực tiếp và liên tục đến các quyết định đầu tư cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh doanh. Vì thế, ngoài việc giảm thuế cần có các quy định cụ thể, minh bạch và thống nhất về quy trình, thủ tục để tiếp cận áp dụng các chính sách ưu đãi miễn giảm hoặc giãn hoãn thời gian nộp thuế.

Góp ý cho dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trước mắt có một số quy định liên quan đến xác định thu nhập chịu thuế, Bộ Tài chính cần cụ thể hóa để tạo điều kiện cho ngành thuế và các doanh nghiệp thực thi khi Luật mới được thông qua.

Chẳng hạn, hiện nay dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chi phí không được trừ tại Điều 9.2.m. Tuy nhiên, trên thực tế vì lý do khách quan, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dự án nhưng không có doanh thu từ dự án đó. Nếu căn cứ vào quy định “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” để loại bỏ chi phí này thì sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp, khiến họ ngại đầu tư vào các dự án mạo hiểm, các mô hình kinh doanh mới, hoặc các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đối với các quy định về thu nhập từ chuyển nhượng vốn, VCCI cũng phân tích, Điều 11.2.i của Dự thảo quy định doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam phải nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, đối với doanh thu từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản thuế suất là 2%. Bộ Tài chính cho rằng, sở dĩ áp dụng quy định này là vì việc xác định chi phí tạo ra doanh thu gặp khó khăn, khó xác định lợi nhuận để tính thuế. Tuy nhiên VCCI lại cho rằng các trường hợp chuyển nhượng vốn của các khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì việc xác định chi phí tương đối dễ dàng. Nếu quy định như dự thảo Luật hiện nay sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp này.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trả tiền trước như dịch vụ tập gym, xem phim trực tuyến, cho thuê máy chủ… cho rằng, hiện nay dự thảo Luật quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là “thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ”. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp vì thực tế các doanh nghiệp sẽ thu tiền một lần cho gói dịch vụ có thể kéo dài vài năm. Nếu áp dụng thời điểm là “thời điểm lập hóa đơn” thì toàn bộ doanh thu sẽ được ghi nhận trong năm đầu tiên (các năm còn lại doanh thu bằng 0); nếu áp dụng “thời điểm hoàn thành cung ứng dịch vụ” thì doanh thu sẽ được ghi nhận toàn bộ vào năm cuối (các năm trước doanh thu bằng 0). Cả hai cách này đều không phù hợp với nguyên tắc kế toán doanh thu tương ứng với chi phí. Vì thế đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bổ sung trường hợp trên vào quy định thời điểm xác định doanh thu.

Hồng Cường

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-nhac-sua-doi-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-154299.html
Zalo