Cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Đây là đề xuất được nêu ra tại Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)', do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 20.9.
4 nhóm vấn đề còn gây tranh cãi
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, qua 4 lần sửa đổi trước đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, như: góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội; định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; đồng thời góp phần ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng còn một số hạn chế, như: đối tượng chịu thuế hẹp so với thông lệ quốc tế; thuế suất với một số mặt hàng chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…
Dự kiến, ngày 23.9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37. Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám (dự kiến khai mạc vào ngày 21.10 tới đây) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín vào tháng 5.2025.
Trong bối cảnh đó, hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến hữu ích vào nội dung dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đặc biệt là về những nội dung còn ý kiến khác nhau; đề xuất các chính sách hợp lý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
“Mục đích là để sau lần sửa đổi này, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phù hợp hơn với thực tiễn, có tính khả thi cao, phát huy hơn nữa vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi; bảo đảm công bằng và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế”, Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim phát biểu.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, qua tập hợp báo cáo của doanh nghiệp và ý kiến của một số chuyên gia, trong dự thảo lần thứ 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vẫn còn nhiều vấn đề có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, trong đó nổi bật lên 4 vấn đề.
Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế. Bên cạnh các ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để bao gồm các sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường, thì không ít ý kiến đề xuất cần nghiên cứu kỹ tác động chính sách khi mở rộng đối tượng chịu thuế.
Chẳng hạn, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang đặt ra nhiều câu hỏi, như: mục đích của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là gì; nếu là vì lý do bảo vệ sức khỏe thì đồ uống có đường có phải là nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì hay không? Nếu là để tăng thu ngân sách thì liệu mục đích này có đạt được và có tính khả thi hay không?
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị bỏ mặt hàng điều hòa nhiệt độ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây không phải là sản phẩm tiêu dùng xa xỉ. Ông Mại đề xuất cần bỏ mặt hàng này, bởi lẽ, điều hòa nhiệt độ đang trở thành sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. “Nếu đợt nắng nóng vừa qua không có điều hòa nhiệt độ thì chi phí y tế, chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ tăng hơn nhiều”, ông Mại nhấn mạnh.
Thứ hai, về mức thuế suất. Mức tăng thuế suất đối với các sản phẩm như rượu, bia, xăng dầu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thứ ba, về thời điểm và lộ trình áp dụng. Một số quan điểm cho rằng các thay đổi trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được áp dụng ngay để sớm điều chỉnh hành vi tiêu dùng và bảo vệ lợi ích xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề xuất áp dụng các thay đổi trong luật thuế theo lộ trình dài hạn, để họ có thể thích ứng và không bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh doanh nhiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ tư, vẫn còn không ít ý kiến xung quanh vấn đề bảo đảm tính công bằng và tính khả thi của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)… Ông Mại đề nghị, nếu áp thuế, cần lùi lộ trình, có thể áp dụng từ cuối năm 2026, đầu năm 2027 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị thích ứng.
Tách riêng thuế giữa rượu và bia
Góp ý vào từng nội dung, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng, dự thảo Luật cần xem xét loại bỏ các xe có động cơ chở người, có số chỗ từ 17 - 24 chỗ ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Các sản phẩm này không nên được coi là hàng hóa xa xỉ, mang tính chất hưởng thụ, vì chủ yếu phục vụ cho hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách (là hoạt động cần thiết, nhất là trong bối cảnh giao thông đường bộ Việt Nam vẫn phổ biến).
Bên cạnh đó, ông Lực đề xuất không đưa mặt hàng xăng các loại (xăng thường, xăng E5, xăng E10) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, do xăng đã phải trả thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, xăng là mặt hàng thiết yếu, là nhiên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành sản xuất - kinh doanh. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng làm gia tăng chi phí sản xuất, tăng lạm phát...
Hơn nữa, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nhưng không đánh thuế này với dầu diesel sẽ không bảo đảm công bằng, khi dầu diesel là một chế phẩm nhiên liệu thay thế xăng, có mức độ ô nhiễm môi trường cao hơn.
Đối với mặt hàng đồ uống có cồn, ông Lực kiến nghị, cần tách riêng và áp các mức thuế khác nhau giữa rượu và bia (theo hướng thuế suất đối với mặt hàng bia nên để ở mức tối đa bằng 50% mức thuế suất của rượu loại trên 20%), vì đây là hai loại đồ uống có nồng độ cồn rất khác nhau và tác động đến sức khỏe, mang tính yếu tố văn hóa cũng rất khác nhau.
Dẫn ước tính của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại của Công ty HEINEKEN Việt Nam, cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 15% đối với đồ uống có cồn vào năm 2026 có thể dẫn đến việc giá sản phẩm tăng 20%. Việc tăng thuế như vậy vừa kìm hãm sản xuất vừa làm suy giảm mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước.
Do vậy, để tạo môi trường ổn định cho các ngành công nghiệp phục hồi, cần áp dụng lần tăng thuế đầu tiên vào năm 2027, sau đó tăng dần 2 năm một lần và mỗi lần tăng 5%, để đến năm 2031 tăng tối đa đến 80%, đại diện doanh nghiệp đề nghị.
Cần đánh giá tác động toàn diện
Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Các đại biểu xác nhận, đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm nước giải khát có đường, Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ xem liệu có làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng; có giúp giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay không và nếu có thì giảm ra sao?
Ban soạn thảo cho rằng, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này sẽ giúp nguồn thu ngân sách tăng thêm khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong trường hợp tiêu thụ giảm do thay đổi hành vi của người tiêu dùng sẽ kéo giảm doanh thu, đồng nghĩa giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì thế, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ tác động của chính sách này với các nguồn thu thuế khác cũng như với các ngành kinh tế khác.
Bởi lẽ đó, theo các đại biểu, cần hết sức cân nhắc việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường; phải có cơ sở khoa học, đánh giá tác động đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm chính sách ban hành phù hợp, công bằng, khả thi.
Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật, để bảo đảm chất lượng cao nhất.