Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Ngày 17-10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu 'Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với nước giải khát có đường'.

Báo cáo đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó quy định bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất là 10%.

Đồng chí Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ tại hội thảo.

Đồng chí Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Kết quả tính toán của CIEM cho thấy khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường sẽ tác động cụ thể tới ngành nước giải khát. Theo đó, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp đáng kể sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành liên quan đều giảm.

Thực tế cho thấy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành và toàn nền kinh tế. Nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp sụt giảm 2.152 tỷ đồng; kết quả tính toán tác động tới thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương giảm 34.534 tỷ đồng... Chưa kể, với các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm.

 TS Nguyễn Minh Thảo đánh giá tác động của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt.

TS Nguyễn Minh Thảo đánh giá tác động của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu kiến nghị cơ quan soạn thảo dự luật sớm hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống để đảm bảo chất lượng thực phẩm, đồ uống khi tiêu thụ trên thị trường, song song với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đề xuất cân nhắc chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng quan điểm, đồng chí Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tính toán, đánh giá kỹ tác động của việc đánh thuế về mặt kinh tế và y tế. Trong đó, cần coi trọng việc điều tiết hành vi người tiêu dùng, sau đó mới đến mục tiêu ngân sách.

Tin, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/can-nhac-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-799144
Zalo