Cần nghiêm trị những hành vi côn đồ trong tham gia giao thông
Thích xử lý va chạm giao thông bằng 'vũ lực' hơn là 'hòa giải', đây đang là một thực trạng đáng buồn của một bộ phận người tham gia giao thông kém văn hóa.
Mặc dù trong thời gian qua, nhiều cảnh báo về sự nghiêm trị của pháp luật đối với những “hành vi côn đồ” trong tham gia giao thông đã được đưa ra, nhưng một số người, chỉ vì không kiềm chế được bản thân đã phải trả giá đắt cho sự “hành động” của mình.
Ngày 11/8, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông có hành vi sử dụng vật cứng đập vỡ cửa kính xe ô tô 7 chỗ.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi ép được lái xe ô tô ra khỏi xe, người đàn ông liên tục chửi bới, nắm tóc, cầm vật cứng dọa đánh, thậm chí bắt lái xe quỳ xuống xin lỗi mới bỏ qua, bất chấp việc người dân xung quanh can ngăn.
Sự việc diễn ra khoảng 10 phút, nguyên nhân được xác định là mâu thuẫn khi tham gia giao thông.
Đối tượng hành hung là Trần Tấn Phong, 46 tuổi đã bị bắt ngay sau đó về hành vi Gây rối trật tự công cộng, đồng thời, cơ quan công an đang thu thập thêm chứng cứ, điều tra dấu hiệu phạm tội Cố ý làm hư hỏng tài sản, Làm nhục người khác.
Trước đó, tại Hà Nội, vào khoảng cuối tháng 2, sau khi đã uống rượu bia, hai đối tượng là Trịnh Thịnh, sinh năm 1980, trú tại quận Ba Đình và Trần Văn Hiệp, sinh năm 1986, quê quán tỉnh Nam Định đã phóng xe máy lên đường Vành đai 2. Sau đó, hai đối tượng đã liên tục lạng lách, đánh võng, tạt đầu xe ô tô đi cùng chiều.
Khi bị người tham gia giao thông phản ứng, quay lại hành vi vi phạm, các đối tượng đã lái xe áp sát, gây gổ và đánh nhau với người trên xe. Những hình ảnh này được người dân ghi hình và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khiến dư luận bất bình, phẫn nộ.
Ngay sau đó, hai đối tượng đã bị công an Quận Hai Bà Trưng bắt giữ để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Có thể thấy, những va chạm hết sức nhỏ nhặt trong giao thông, nhưng khi cách hành xử của con người không đúng mực, khi những "cú đấm, cú đá" hành vi bạo lực được đem ra giải quyết thì trước mắt họ rất có thể sẽ là những bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Những va chạm trong tham gia giao thông là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cách xử lý như thế nào cho “hợp tình hợp lý” mới là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Mỗi cách xử lý sẽ dẫn tới một kết quả khác nhau, nhưng có một điều là, pháp luật sẽ đứng về phía những ai giữ được sự bình tĩnh.
Xã hội lên án, pháp luật trừng trị, cái giá phải trả cho sự thiếu kiềm chế khi tham gia giao thông là "quá đắt". Những đối tượng trên sẽ là bài học "nhãn tiền" đối với những kẻ ngông cuồng, thích sử dụng "vũ lực" khi tham gia giao thông.
Còn với những người là nạn nhân, trong trường hợp không thể "tự vệ" hoặc phản kháng, hãy giữ sự bình tĩnh, tìm kiếm bất kì sự trợ giúp nào từ người xung quanh, đồng thời sử dụng camera hành trình, hoặc camera từ các thiết bị di động ghi lại toàn bộ quá trình diễn ra vụ việc. Pháp luật sẽ nghiêm trị tất cả các hành vi côn đồ khi tham gia giao thông.