Cần nghiêm trị các đối tượng trong đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc giả
Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm hại đến sức khỏe cộng đồng, gây bất ổn xã hội và làm suy giảm niềm tin vào hệ thống y tế. Vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng chục nghìn hộp thuốc tân dược giả lưu hành trên phạm vi toàn quốc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự liều lĩnh, coi thường pháp luật, chà đạp đạo lý của các đối tượng trục lợi trên sinh mạng con người.

Công an Thanh Hóa phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả. (Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp)
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường kiểm soát, khắc phục lỗ hổng trong quản lý, đồng thời xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Đối với người bệnh, thuốc không phải là sản phẩm hàng hóa thông thường mà luôn gắn liền với sức khỏe, đôi khi còn gắn với cả việc duy trì sự sống. Nhưng với đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, thuốc đã bị biến thành công cụ trục lợi bất chính trên tính mạng của người bệnh.
Bạn đọc Nguyễn Văn Mậu ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc: "Vì tiền, vì lợi nhuận mà các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả đã bất chấp cả sinh mạng của người khác. Nhìn vào những hậu quả mà người bệnh phải gánh chịu khi dùng thuốc giả, không quá khi nói việc làm của nhóm người này là hành vi gián tiếp giết người".

Nhóm đối tượng trong đường dây sản xuất thuốc giả với số lượng lớn. (Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp)
Cơ quan Công an đã phát hiện, thu giữ hàng chục nghìn hộp thuốc giả từ đường dây do Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo cầm đầu.
Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: "Đây là hành vi có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, cần nghiêm trị để răn đe".
Cũng liên quan đến việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, cách đây chưa lâu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” quy mô lớn do hai vợ chồng Ngô Kim Diệu, Nguyễn Thị Ngọc Hương cầm đầu, khởi tố 22 đối tượng, thu giữ hơn 56.000 đơn vị sản phẩm thuốc giả. Các đối tượng không chỉ sản xuất thuốc không phép mà còn lập công ty "ma", in bao bì gắn mác Singapore, Malaysia nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu chia sẻ quan điểm: "Bệnh nhân nhiều khi đã yếu, uống phải thuốc giả còn nguy hiểm gấp bội. Đây là tội ác, cần xử thật nghiêm".
Có thể xử lý ở khung hình phạt cao nhất
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hàng chục nghìn người tử vong vì dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Việt Nam cũng không nằm ngoài thực trạng này.
Hai vụ việc nêu trên cho thấy sự nguy hiểm, phức tạp của loại tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Lý giải cho việc gia tăng về quy mô, tính chất vi phạm của loại tội phạm này, nhiều chuyên gia cho rằng với sự phát triển của xã hội, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn.
Việc sản xuất thuốc tân dược giả từ nguồn nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc sau đó bán ra thị trường với số lượng lớn sẽ là “mỏ vàng” mang lại cho các đối tượng những khoản lợi nhuận khổng lồ. Minh chứng là trong vụ án sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã thu lời bất chính số tiền khoảng gần 200 tỷ đồng. Với hành vi tương tự, chỉ riêng năm 2024, hai vợ chồng Ngô Kim Diệu, Nguyễn Thị Ngọc Hương đã sản xuất, tiêu thụ số thuốc giả trị giá trên 45 tỷ đồng.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, các đối tượng đã bán ra thị trường hàng ngàn sản phẩm với 21 loại thuốc giả khác nhau. (Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp)
Cũng theo luật sư Nguyễn Xuân Dũng, Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định rõ, mức hình phạt áp dụng cho đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là từ 20 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình.
“Đây là hành vi xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Với số lượng thuốc giả gần 10 tấn, quy mô toàn quốc, thu lợi bất chính khoảng 200 tỷ đồng... Các đối tượng phạm tội có thể bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, nếu gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí gây chết người”, luật sư Dũng nhấn mạnh.
Tăng cường giám sát, khắc phục “lỗ hổng” và cần chỉ rõ cơ quan quản lý chịu trách nhiệm
Thực tế cho thấy, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả không chỉ là tội phạm kinh tế mà thực chất là tội ác chống lại sức khỏe cộng đồng. Những đối tượng trong các vụ án bị triệt phá tại Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh đều có hành vi phạm tội trong thời gian dài, có tổ chức, có hệ thống phân phối rộng khắp mà không bị phát hiện. Điều này đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát thị trường và ngành y tế địa phương.
Theo các chuyên gia, cùng với việc điều tra, mở rộng vụ án, cần xác minh, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc cấp phép lưu hành thuốc; kiểm soát chất lượng dược phẩm trên thị trường; công tác hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, phân phối thuốc; hoạt động giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường; phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng;…
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội, phân tích: “Việc để hàng loạt loại thuốc giả có hình thức đóng gói tương tự thuốc thật, lưu thông trên thị trường trong nhiều năm, thông qua nhiều kênh phân phối mà không bị phát hiện, cho thấy nhiều vấn đề trong công tác hậu kiểm. Có thể công tác này không được tiến hành thường xuyên, hoặc thiếu hiệu quả, thậm chí bị buông lỏng".
Dư luận cho rằng, cùng với việc truy tố đúng người đúng tội, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng siết lại hệ thống kiểm nghiệm, phân phối, cấp phép thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chia sẻ dữ liệu, cảnh báo sớm về các loại thuốc có dấu hiệu bất thường; chú trọng siết chặt kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc trên nền tảng số; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, cẩn trọng lựa chọn các loại thuốc khi có nhu cầu sử dụng.
Danh sách loại thuốc tân dược giả trong đường dây thu lợi 200 tỷ đồng ở Thanh Hóa gồm:
44 hộp thuốc Tetracyclin,
40 hộp thuốc Clorocid,
49 hộp thuốc Pharcoter,
52 hộp thuốc Neo-Codion;
1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn;
4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong;
2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn;
1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh);
5.172 hộp Mujarhabat Kapsul;
2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn;
930 hộp thuốc Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn;
6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn;
1.014 hộp thuốc Phong tê nhức Bạch Xà Vương;
4.743 hộp thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn;
845 hộp thuốc đa xoang mũi;
4.012 hộp thuốc Viên vai cổ;
2.413 hộp thuốc Yuan Bone;
834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus;
515 hộp thuốc thoái hóa nhức khớp hoàn plus;
657 hộp thuốc thoái hóa tọa cốt đơn.