'Cần nghị quyết riêng đột phá về kinh tế tư nhân'
Ông Nguyễn Văn Phúc - cựu Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với Tuần Việt Nam về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Thưa ông, gần đây xuất hiện ý kiến chính thức cho rằng, cần có nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân với tinh thần đột phá, đổi mới như Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ. Ông bình luận như thế nào về chủ trương này?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi rất ủng hộ có một nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân với tinh thần đột phá mạnh mẽ như Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ. Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân và Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có đề cập khá toàn diện đến kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, khu vực này chưa phát triển đúng tiềm năng, người dân vẫn chưa thực sự có quyền tự do kinh doanh như Hiến pháp và pháp luật quy định.
Để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong thúc đẩy tăng trưởng cao trong các năm tới, nghị quyết của Bộ Chính trị là cơ sở rất quan trọng cho việc rà soát, cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, mà trọng tâm là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh của khu vực tư nhân như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các luật về thuế,… và các văn bản dưới luật; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy và cơ chế thi hành pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi rất ủng hộ có một nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân với tinh thần đột phá mạnh mẽ như Nghị quyết 57. Ảnh: VietNamNet
Người ta kêu có gần 16.000 giấy phép mẹ, con, cháu, chắt thì phải dựa vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mà rà soát, tìm hiểu xem các giấy phép đó, chính thức và trá hình ở các văn bản nào, trong luật, nghị định, thông tư hay văn bản của các cấp chính quyền địa phương. Những chỗ nào vướng mắc cần phải tháo gỡ, bãi bỏ ngay và xử lý nghiêm cơ quan, cá nhân ban hành.
Tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế về pháp lý là quan trọng nhưng thay đổi nhận thức, thái độ, cách ứng xử của công chức, viên chức nhà nước về khu vực kinh tế tư nhân cũng quan trọng không kém vì họ là những người trực tiếp thực thi pháp luật, có thể do trình độ, năng lực và lợi ích cá nhân mà nhũng nhiễu, gây khó khăn, cản trở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Tôi cho rằng, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng là phù hợp với thực tiễn và không trái với tinh thần coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, trong đó có việc đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không muốn và không thể đầu tư, xử lý các khuyết tật của thị trường.
Các mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 và 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 đã không hoàn thành như Nghị quyết 10. Vì sao vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Sau khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, số doanh nghiệp tư nhân đã nở rộ trong giai đoạn 2000-2010. Nghị quyết 10 đưa ra các mục tiêu như vậy nhưng đến nay chúng ta mới chỉ có khoảng 930 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực này.
Tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế về pháp lý là quan trọng nhưng thay đổi nhận thức, thái độ, cách ứng xử của công chức, viên chức nhà nước về khu vực kinh tế tư nhân cũng quan trọng không kém Ông Nguyễn Văn Phúc
Tôi cho rằng, nếu biết cách làm và thực hiện nghiêm, quyết liệt nghị quyết của Trung ương thì các mục tiêu có 1 triệu và 1,5 triệu doanh nghiệp là trong tầm tay. Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 đã phân biệt 3 loại doanh nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
Nếu Trung ương giao chỉ tiêu cho các địa phương, như giao khoán tăng trưởng, thì cả 63 tỉnh, thành phải hết lòng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để đạt được mục tiêu đó. Họ phải ra sức cải thiện môi trường kinh doanh, thuyết phục, vận động, hỗ trợ những hộ kinh doanh có năng lực, điều kiện trong hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể nâng cấp, chuyển thành doanh nghiệp. Chỉ cần 10% (500 nghìn hộ) trong số này chuyển thành các loại doanh nghiệp này là thành công rồi.
Giờ có trào lưu đổ lỗi hoàn toàn cho luật. Tôi cho là không nên vì có những đánh giá nhận định thiếu cơ sở. Ví dụ, Luật Hỗ trợ DNNVV có rất nhiều điểm tiến bộ, đặc biệt yêu cầu ban hành chính sách hỗ trợ về thuế, nhưng có được thực hiện nghiêm túc không? Tại sao cho đến bây giờ vẫn chưa ban hành đầy đủ các luật thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Chúng ta có nghị quyết của Đảng, có luật để phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhưng không tổ chức thực hiện tốt, không thấy được khu vực này vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng. Đây là khuyết điểm của các bộ, ngành liên quan, là khuyết điểm của các địa phương.
Thưa ông, hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, dường như áp dụng trên thực tế lại chưa tốt để huy động nguồn lực trong dân cho phát triển. Vì sao vậy?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Hiến pháp năm 1992 của thời kỳ đầu đổi mới mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển. Các luật Đầu tư nước ngoài, Doanh nghiệp, Khuyến khích đầu tư trong nước, Hợp tác xã,… cũng có mục tiêu phát triển khu vực kinh tế này.
Tuy nhiên, phải đến Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì mới giúp thổi bùng sự phát triển vì nó bao hàm rất nhiều cải cách, đặc biệt là tinh thần doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, phái đoàn Mỹ yêu cầu Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế. Họ cho rằng, Việt Nam còn phân biệt đối xử các loại hình doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, Việt Nam đã hợp nhất Luật Doanh nghiệp nhà nước với Luật Doanh nghiệp thành Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước thành Luật Đầu tư và sửa đổi, ban hành mới các luật phục vụ đàm phán gia nhập WTO và phát triển kinh tế tư nhân vào năm 2005 trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XI do bác Nguyễn Văn An làm Chủ tịch.
Trong thời gian dài vừa qua đã có ý kiến đề nghị bỏ Luật Đầu tư. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Trước hết, muốn bỏ hay không bỏ hay sửa đổi thì phải tìm hiểu kỹ Luật Đầu tư quy định cái gì.
Ý kiến đề nghị bỏ có lẽ do chưa nhìn nhận ra vai trò tiến bộ của Luật Đầu tư. Hồi đó, tôi làm ở Quốc hội nên biết rõ, Luật Đầu tư đã cụ thể hóa quy định rất tiến bộ của Hiến pháp là “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.

Thủ tướng và các doanh nghiệp tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá ngày 10/02 vừa qua. Ảnh: VGP
Thứ nhất, Luật quy định rõ những lĩnh vực nào cấm kinh doanh, và nếu bổ sung thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tức là, Nhà nước muốn cấm thì phải đưa vào luật chứ không thể cấm bằng văn bản dưới luật được vì đây là hạn chế quyền con người. Ví dụ, Quốc hội từng bổ sung dịch vụ đòi nợ là lĩnh vực cấm kinh doanh vào Luật.
Thứ hai, Luật Đầu tư năm 2014 có một Phụ lục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây cũng là hạn chế quyền con người nên phải được quy định trong Luật. Đồng thời, Luật cũng nêu rõ, chỉ từ cấp nghị định trở lên đến pháp lệnh và luật mới được quy định điều kiện kinh doanh. Hay nói cách khác, cấp bộ, ngành và địa phương không được ra điều kiện kinh doanh.
Với các điểm trên, Luật Đầu tư là rất tiến bộ và khá minh bạch.
Từ đó tôi đặt lại vấn đề, các luật, pháp lệnh và nghị định hiện nay có ban hành quá đà, đẻ ra tới 16.000 điều kiện kinh doanh hay không? Hay số điều kiện kinh doanh đó ở cấp thông tư của bộ và quy định của chính quyền địa phương?
Ngoài ra, Luật Đầu tư còn có nhiệm vụ quy định về các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài, nhất là vào các địa bàn khó khăn. Ở nhiều nước trên thế giới có thể không có Luật đầu tư chung như của Việt Nam nhưng có Luật thu hút Đầu tư nước ngoài và các luật đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể với tên gọi có thể khác nhau.
Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cấp bộ chỉ được ban hành những văn bản có tính chất quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Vậy các bộ có lạm dụng thẩm quyền để biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn thành giấy phép con hay không?
Vì thế, cần phải rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách tổng thể để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo “đột phá của đột phá”, như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo.
Vì sao Nhà nước phải xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài như Luật Đầu tư quy định? Đầu tư cái gì, quy mô ra sao là do nhà đầu tư quyết định chứ đâu phải Nhà nước?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Hồi làm Luật Đầu tư 2014, tôi là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nên có tham gia. Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người trước đó từng giữ chức Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy cho biết, việc đầu tư các dự án ở quy mô nhất định tại địa phương phải có ý kiến của Ban thường vụ tỉnh ủy; ở cấp Trung ương phải có ý kiến của Bộ Chính trị về chủ trương vì Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, kể cả phát triển kinh tế. Đây là nguyên tắc. Vốn do nhà đầu tư bỏ ra nhưng dự án lại liên quan đến sử dụng đất, di dân, tái định cư, quốc phòng, an ninh,…
Các luật, pháp lệnh và nghị định hiện nay có ban hành quá đà, có tới 16.000 điều kiện kinh doanh hay không? Hay số điều kiện kinh doanh đó ở cấp thông tư của bộ và quy định của chính quyền địa phương? Ông Nguyễn Văn Phúc
Bộ trưởng Vinh cũng thấy quy trình Đảng cho ý kiến về chủ trương đầu tư là có tính chất nội bộ. Nhưng về mặt pháp lý, Nhà nước phải biến nó thành quy phạm pháp luật cho minh bạch. Nhà đầu tư không thể căn cứ vào chủ trương của Đảng mà phải căn cứ vào luật để thực hiện dự án đầu tư.
Đó có lẽ là lý do chính quy định trong Luật Đầu tư về xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Xin bổ sung là đối với dự án đầu tư công thì Nhà nước quyết định chủ trương đầu tư. Còn đối với dự án đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thì quyền quyết định thuộc về nhà đầu tư, Nhà nước chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư căn cứ vào các tiêu chí do Luật Đầu tư quy định.
Do đó, rà soát lại các tiêu chí và đơn giản, rút ngắn tối đa quy trình thủ tục xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư về phía Nhà nước vì đã có cấp ủy Đảng cho ý kiến.
Mỗi năm có hàng chục ngàn dự án FDI và đầu tư trong nước. Vậy cần đến số nhân sự khổng lồ đến mức nào để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cho toàn bộ các dự án đó? Làm sao để chấm dứt tình trạng một dự án cần đến 40 con dấu?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Theo quy định của Luật, không phải dự án nào cũng phải được Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ có một số loại dự án thôi, theo các tiêu chí như đã nói trên.
Tôi cho rằng, cần nhanh chóng rà soát lại các tiêu chí cái gì cần bỏ, cần sửa, cái gì phải tiền kiểm, cái gì cần hậu kiểm theo hướng hạn chế tối đa các dự án phải được Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư và với mục đích thúc đẩy dự án đầu tư được chấp thuận và triển khai nhanh nhất có thể.