Cần mạnh tay với hành vi lạng lách, đánh võng

Sau câu chuyện 'rượu, bia', thời gian gần đây, câu chuyện học sinh chưa đến tuổi điều khiển mô tô, xe máy; tổ chức tụ tập đua xe, lạng lách đánh võng, bốc đầu… có dấu hiệu gia tăng, gây mất trật tự an ninh và bức xúc trong dư luận xã hội

Nhóm học sinh khiển xe máy bằng một bánh, lạng lách, đánh võng trên đường,sau đó bị Công an thành phố Yên Bái xử phạt vi phạm hành chính ngày 25/10/2023 (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Nhóm học sinh khiển xe máy bằng một bánh, lạng lách, đánh võng trên đường,sau đó bị Công an thành phố Yên Bái xử phạt vi phạm hành chính ngày 25/10/2023 (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Trật tự an toàn giao thông (ATGT) luôn là vấn đề rất "nóng”, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn tính mạng, sức khỏe của con người. Hành vi vi phạm, mức xử phạt đã được quy định cụ thể tại các nghị định và Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm luôn có chiều hướng gia tăng bất chấp công tác tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vẫn được duy trì. Phải chăng chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe?

Thực tiễn cho thấy, sau khi Nghị định số 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, đặc biệt khi lực lượng công an tăng cường, lập chốt xử lý nồng độ cồn, tình trạng uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm hẳn, nhất là người điều khiển ô tô. Với mức phạt rất cao (như đối với người điều khiển xe ô tô, phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng với vi phạm chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng với vi phạm vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Bên cạnh đó là phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng) đã khiến cho người tham gia giao thông phải suy nghĩ, đắn đo trước khi… nâng ly.

"Cho tôi xin phép không uống, lát nữa phải lái xe”, "Các bác thông cảm cho, uống xong, lỡ ra kia gặp chốt kiểm tra nồng độ cồn là mất tháng lương ngay”, "Giờ đi nhậu thì gọi taxi, vi phạm nồng cộ cồn bị xử lý rất nặng”… Đó là những câu nói đã dần trở thành quen thuộc. Từ chối uống khi phải lái xe, tìm cách di chuyển an toàn khi phải đi dự tiệc…, đó cũng là biểu hiện của lối sống văn minh, an toàn, đồng nghĩa với đó là số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia sẽ giảm xuống.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Trấn Yên tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông tại Trường THCS xã Hòa Cuông.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Trấn Yên tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông tại Trường THCS xã Hòa Cuông.

Sau câu chuyện "rượu, bia” là câu chuyện "lỗi tốc độ”. Đây là lỗi rất dễ mắc phải khi người điều khiển phương tiện có chất lượng tốt, gặp đoạn đường vắng người hoặc khi lơ đễnh hay vội vàng, gấp gáp… Chạy xe vượt quá tốc độ cho phép, đặc biệt trong khu vực đông dân cư là một trong những nguyên nhân khiến số vụ, số người chết và bị thương nặng gia tăng. Khi lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm về tốc độ, khi hệ thống camera giám sát giao thông (phạt nguội) được lắp đặt; đặc biệt, khi Bộ Công an nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc với tình trạng cán bộ, người thân… can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm ATGT, tình trạng vi phạm lỗi tốc độ cũng đã giảm xuống, tài xế đã phải chú ý quan sát, thận trọng hơn trong quá trình điều khiển phương tiện.

Có thể nói, sau khi các ngành chức năng, nhất là lực lượng công an quyết liệt trong việc xử lý về lĩnh vực trật tự ATGT như: lỗi chở quá tải, cơi ben, nới thùng, đặc biệt là lỗi nồng độ cồn và chạy quá tốc độ như đã nói ở trên, tình trạng mất ATGT đã được cải thiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, câu chuyện học sinh chưa đến tuổi điều khiển mô tô, xe máy; tổ chức tụ tập đua xe, lạng lách đánh võng, bốc đầu… có dấu hiệu gia tăng, gây mất trật tự an ninh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Thi thoảng, chúng ta vẫn bắt gặp một đám trẻ, độ tuổi 15, 16 là học sinh các trường THPT đầu không đội mũ bảo hiểm, nhiều xe không lắp gương và độ chế vành, bánh, giảm xóc, pô… phóng xe bạt mạng, lạng lách, đánh võng trên đường phố. Đặc biệt, lợi dụng đêm tối và những đoạn đường vắng người, chúng chạy xe buông cả 2 tay, lái xe bằng chân, bốc đầu (đi xe một bánh)… khiến người dân khiếp sợ. Tại các thành phố lớn, tình trạng này khá phổ biến. Tại Yên Bái, nhất là khu vực thành phố Yên Bái và thị trấn các huyện, tình trạng này thi thoảng vẫn diễn ra.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, lái xe vượt quá 5% tốc độ quy định làm tăng 10% tỷ lệ tai nạn và 20% tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Người đi bộ có khả năng tử vong đến 80% nếu bị ô tô va chạm ở tốc độ 50km/giờ, người đi bộ có đến 90% cơ hội sống sót nếu bị ô tô va chạm ở tốc độ 30km/giờ trở xuống.

Trung tá Nguyễn Hà Vân Tùng – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, Công an huyện Trấn Yên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Đội đã phát hiện, xử lý 207 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT với các lỗi chủ yếu như: không gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định và chưa đến tuổi điều khiển mô tô. Thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên tuyền và xử lý các trường hợp vi phạm”.

Rất nhiều người bày tỏ ý kiến, song song với công tác tăng cường tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ trong các nhà trường và trong giới trẻ, duy trì, nhân rộng và lan tỏa các mô hình "Cổng trường ATGT”… phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý thật nghiêm đối với các hành vi tụ tập đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, buông 2 tay, lái xe máy bằng chân, nằm lên yên, bốc đầu mô tô, xe máy, phạt nặng, tịch thu phương tiện bán lấy tiền (bán nhanh khi phương tiện còn mới, tốt, không để lâu hư hỏng, xuống cấp). Số tiền đó sẽ được dùng làm từ thiện hoặc hỗ trợ những nạn nhân tai nạn giao thông. Ủng hộ phương án phạt nặng chủ phương tiện giao xe cho người chưa đến tuổi, không có giấy phép điều khiển phương tiện. Đây là những ý kiến sát thực cần được áp dụng vì sự an toàn tính mạng của người tham gia giao thông.

Lê Phiên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/228/342747/can-manh-tay-voi-hanh-vi-lang-lach-danh-vong.aspx
Zalo