Cần mẫn 'chắt lọc' những giọt mật ngọt thơm ở làng nghề hơn 50 năm
Suốt hơn 50 năm qua, hàng chục hộ dân xã Thọ Điền của tỉnh Hà Tĩnh vẫn cần mẫn ép mía, 'chắt lọc' ra những giọt mật ngọt thơm. Ngày nay, sản phẩm mật mía cũng là mặt hàng được nhiều người yêu thích lựa chọn sử dụng vào dịp Tết, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân nơi đây.
Xã Thọ Điền (trước là xã Sơn Thọ) của huyện Vũ Quang là một trong những khu vực trồng mía lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Những ngày cuối năm, hàng chục hộ dân tại xã Thọ Điền lại tất bật với công việc ép mía, nấu mật phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Nghề nấu mật mía được người dân nơi đây duy trì từ hơn 50 năm qua. Ban đầu, mật mía chỉ được sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình và cộng đồng nhỏ, nhưng với chất lượng ngọt tự nhiên, hương vị đặc trưng, mật mía Thọ Điền dần được biết đến rộng rãi và trở thành một sản phẩm nổi bật của huyện miền núi Vũ Quang này, mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân.
Quy trình sản xuất mật mía cũng trải qua nhiều công đoạn. Mía được trồng trên diện tích hơn 28ha, chủ yếu là giống mía đặc sản có năng suất cao và chất lượng tốt. Sau khi thu hoạch, mía được cắt thành khúc nhỏ, rồi dùng máy ép lấy nước. Sau đó, nước mía sẽ được chuyển đến những nồi nấu lớn để nấu, rồi lọc bỏ cặn bã. Quá trình này kéo dài từ 5 đến 7 giờ mới có thể tạo ra mật mía đặc quánh, màu sắc vàng cánh gián và hương vị ngọt thơm.
Là một trong những đơn vị sản xuất mật mía lớn nhất nhì của xã Thọ Điền, HTX dịch vụ mật mía Sơn Thọ không ngừng cải thiện máy móc, lựa chọn nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm mật mía chất lượng nhất. Mỗi ngày, đơn vị này ép được khoảng 5-6 tấn mía tươi, nấu được khoảng 500 lít mật thương phẩm. Với việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, các quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm mật mía của HTX, cũng như những hộ dân trong xã bán rất được giá, khoảng 50.000-60.000 đồng/lít.
“Mỗi công đoạn từ khâu ép mía đến nấu thành phẩm đều được chú trọng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, những chai mật được đóng cẩn thận, có dán tem của HTX sẽ giúp sản phẩm mật mía Thọ Điền được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng”, chị Đoàn Thị Nhàn, Giám đốc HTX dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết.
Để mở rộng thị trường, người nấu mật mía nơi đây không ngừng tìm hiểu, ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại… nên ngày càng được nhiều người biết đến.
“Không phải ai nấu cũng tạo ra được những giọt mật thơm ngon, mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn nguyên liệu mía được sử dụng, thời gian nấu khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng khác nhau. Năm 2020, sản phẩm mật mía của HTX được công nhận OCOP cấp tỉnh. Đây là bước đệm để sản phẩm được khẳng định chất lượng và có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Mật mía thì được tiêu thụ quanh năm, tuy nhiên vào dịp Tết thì nhu cầu này tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, những ngày cuối năm, chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, chị Nhàn nói.
Để nghề ép mía nấu mật không bị mai một, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX dịch vụ mật mía Sơn Thọ. Chính quyền cũng đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.
Ông Trần Cao Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Điền cho biết, với truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, người dân địa phương đang từng bước tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa tăng nguồn thu nhập.
“Những năm gần đây, mía được mùa, chất lượng tốt, cho ra sản phẩm mật đạt năng suất cao, khoảng 5 tạ mật mía/sào. Hiện toàn xã có gần 100 hộ trồng mía trên diện tích hơn 28ha. Đặc biệt, công việc cho thu nhập cao hơn năm ngoái nên bà con rất phấn khởi. Ước tính toàn xã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng từ sản phẩm mật mía”, ông Trần Cao Cường cho biết thêm.