Cần lộ trình giúp hộ kinh doanh thích nghi với chính sách thuế mới

Việc áp dụng hình thức khai thuế theo doanh thu với hộ kinh doanh giúp tăng tính công bằng và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, điều này cần kèm theo lộ trình áp dụng với các cơ chế hỗ trợ phù hợp để hộ kinh doanh không lúng túng.

Thế khó của hộ kinh doanh khi bỏ thuế khoán

Từ ngày 1-1-2026, hộ kinh doanh sẽ chuyển từ hình thức nộp thuế khoán sang kê khai và nộp thuế dựa trên doanh thu thực tế, theo tinh thần Nghị quyết 198/2025 của Quốc hội.

Hơn nữa, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo xác định ba nhóm hộ kinh doanh, gồm: hộ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu khoảng 1-3 tỉ đồng/năm; hộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu khoảng 1-10 tỉ đồng/năm; hộ có doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ.

Ba nhóm hộ kinh doanh này cũng phải thực hiện chế độ kế toán theo quy định tại Thông tư 88/2021 của Bộ Tài chính.

Hoạt động kinh doanh của các tiểu thương phần lớn là nhỏ lẻ, thiếu bài bản. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Hoạt động kinh doanh của các tiểu thương phần lớn là nhỏ lẻ, thiếu bài bản. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Trước chính sách mới, vấn đề được đặt ra là quản lý thuế như thế nào với các hộ kinh doanh có để vừa đảm bảo tính khả thi trong triển khai, vừa đảm bảo thu đúng, thu đủ, nhất là trong bối cảnh khoảng 3,3 trên tổng số 5 triệu hộ kinh doanh không có mã số thuế, do các quy định về đăng ký mã số thuế chưa được tuân thủ chặt chẽ và phần lớn các hộ có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm và không thuộc đối tượng phải đăng ký mã số thuế.

Nói tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá đây vấn đề rất mới về cơ chế quản lý thuế của Nhà nước và nộp thuế của hộ kinh doanh. “Các hộ không ngại việc nộp thuế nhưng e ngại về thủ tục hoặc cách tính toán làm thế nào cho đúng”, đại biểu Cường nói.

Cũng theo đại biểu này, hộ kinh doanh mong muốn việc kê khai và tính thuế thực sự đơn giản. Cùng với đó là chờ đợi cơ quan quản lý có giải pháp để việc nộp thuế không phải gánh nặng, khó khăn, cũng như không tăng thêm chi phí, nỗi lo.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VACOM, đơn vị chuyên về phát triển hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp, cho biết phần lớn hộ kinh doanh gặp khó khăn khi phải thực hiện các chế độ ghi sổ kế toán với nhiều phân mục, như: doanh thu, chi phí, quỹ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, nghĩa vụ thuế... do đã quen với việc tự thu – chi.

Ngoài ra, việc phải lập, lưu trữ và xuất hóa đơn, chứng từ, phiếu thu/chi phát sinh trong kỳ cùng nhiều tình huống liên quan công nghệ, khiến hộ kinh doanh chưa thể nắm bắt ngay. Tất cả dẫn tới quá trình triển khai hết sức phức tạp.

Thực tế, tại một cuộc giao lưu trực tuyến với Cục thuế cách đây ít ngày, bà Kim Thoa, hộ kinh doanh sản phẩm giày dép, than phiền: “Không biết phải cân đối phần trăm thuế chênh lệch như thế nào?” khi phải chịu mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) 8% với mỗi hóa đơn mua nguyên vật liệu đầu vào, nhưng mỗi hóa đơn bán hàng đầu ra chỉ áp dụng mức thuế GTGT 4,5%, do đặc điểm ngành nghề và là hộ kinh doanh.

Một hộ kinh doanh tạp hóa cũng nêu loạt thắc mắc, gồm: “Xử lý ra sao khi phát sinh lỗi hệ thống, phần mềm, tại thời điểm xuất hóa đơn?”, “Hộ đã xuất hóa đơn tại thời điểm khách mua hàng, sau khách yêu cầu đổi/trả một phần hoặc toàn bộ hàng thì phải xử lý thế nào với hóa đơn đã xuất?”, “Hộ chủ yếu bán hàng cho khách vãng lai, nên khách thường không cung cấp thông tin căn cước công dân, điện thoại, địa chỉ, vậy hộ có được quyền xuất hóa đơn khách lẻ không?”…

Hướng đi đúng nhưng cần lộ trình

Việc kê khai thuế theo doanh thu là hướng đi đúng, được các chuyên gia ủng hộ vì góp phần siết chặt quản lý thuế, đảm bảo công bằng và tăng thu ngân sách. Thế nhưng, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, rất cần lộ trình áp dụng phù hợp, cùng các cơ chế hỗ trợ để hộ kinh doanh không lúng túng.

Các tiểu thương cần thêm thời gian thích nghi vói chính sách quản lý thuế mới. Ảnh: Lê Vũ

Các tiểu thương cần thêm thời gian thích nghi vói chính sách quản lý thuế mới. Ảnh: Lê Vũ

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần lộ trình chuyển tiếp tối thiểu một năm, để hộ kinh doanh kịp thời thích nghi với các yêu cầu mới về hóa đơn, thanh toán và ghi nhận doanh thu. Chẳng hạn, các tiệm ăn uống và tạp hóa, vốn chỉ đóng một mức thuế khoán cố định, thì hiện phải làm quen với việc xuất hóa đơn, ghi nhận từng giao dịch và có thể bị truy xuất số liệu nếu có chênh lệch.

Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và sự đồng hành của cơ quan thuế để các hộ không bị "ngợp".

Đồng quan điểm, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, khuyến nghị cơ quan quản lý cần dành thêm thời gian để các hộ kinh doanh nhỏ kịp thời thích nghi với chinh sách mới, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn đầy đủ từ đơn vị cung ứng dịch vụ.

Theo lý giải của ông Bình, các hộ kinh doanh mô hình hoạt động khác nhau, nên không thể thiết kế một công cụ quản lý duy nhất cho tất cả các hộ. Do đó, cần chia hộ kinh doanh thành các nhóm cụ thể, căn cứ theo quy mô nhân sự, tài sản, doanh thu, mức độ sẵn sàng… để xây dựng lộ trình phù hợp.

“Trước khi thực hiện các giải pháp căn cơ, toàn diện thì không nên làm quá mạnh, xáo trộn sinh kế của hàng triệu hộ kinh doanh, hàng triệu người”, ông Bình nói và cho rằng việc chuyển đổi cần song hành với tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ.

Thực tế, một số đơn vị cung ứng dịch vụ, như MISA, đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh gồm xây dựng hệ thống tài liệu có video hướng dẫn; sử dụng trợ lý số MISA để tư vấn trực tiếp trên phần mềm; cử nhân viên trực tiếp xuống địa bàn, phối hợp cán bộ thuế để hướng dẫn cho hộ kinh doanh; huy động đại lý thuế, đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán, tham gia đồng hành với vai trò “cánh tay nối dài” trong việc hỗ trợ hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi diễn ra thuận lợi, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng cần giải quyết vấn đề hàng hóa tồn kho không đủ hóa đơn và chênh lệch thuế.

Theo đó, các hộ kinh doanh cần rà soát lại toàn bộ hàng tồn kho, loại trừ tất cả các hàng hóa có nguồn gốc không hợp pháp, hàng giả, hàng lậu ra khỏi hàng tồn kho và xử lý tiêu hủy khỏi hàng chuẩn bị bán ra. Cơ quan thuế có thể hỗ trợ các hộ bằng cách không truy cứu hàng hóa tồn kho không đủ hóa đơn, chứng từ.

Ngoài ra, việc các hộ kinh doanh phải thực hiện xuất hóa đơn theo quy định mới từ từ ngày 1-6-2025 sẽ phát sinh trường hợp doanh thu thực tế xuất hóa đơn lớn hơn doanh thu kê khai nộp thuế của các năm trước. Vì vậy, cơ quan thuế không nên đặt vấn đề truy thu tiền thuế đã nộp các năm trước (trừ trường hợp có hành vi vi phạm nghiêm trọng để trốn, gian lận thuế), để khuyến khích các hộ kinh doanh tự giác chuyển đổi, kê khai thuế đúng doanh thu thực tế phát sinh.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-lo-trinh-giup-ho-kinh-doanh-thich-nghi-voi-chinh-sach-thue-moi/
Zalo