Cần liều thuốc đặc trị cho 'căn bệnh hàng giả'
Hàng giả, hàng nhái từ lâu đã trở thành một 'căn bệnh' của nền kinh tế nước ta. Không chỉ âm thầm gặm nhấm niềm tin của người tiêu dùng, nó còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Vụ án mới đây do Bộ Công an triệt phá, liên quan đến Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tinh vi và liều lĩnh của các tổ chức sản xuất hàng giả.

Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: VTV
Gần 600 nhãn hiệu sữa giả bị phát hiện, từ sản phẩm dành cho người tiểu đường, suy thận đến trẻ sinh non và phụ nữ mang thai được quảng cáo chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo - những thành phần được xem là “thượng hạng”, nhưng thực tế chỉ là “vỏ đẹp ruột rỗng”, với chất lượng thật chỉ đạt chưa đến 70% so với công bố. Sự giả dối đó không chỉ là một cú lừa trắng trợn mà còn là lời cảnh báo về mối nguy đe dọa trực tiếp đến tính mạng của những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Câu hỏi đặt ra là vì sao hàng giả vẫn ngang nhiên tồn tại? Trước hết, cần nhìn thẳng vào sự thiếu quyết liệt trong khâu xử lý. Dù pháp luật đã có quy định hình sự rõ ràng, nhưng việc áp dụng còn quá chậm và thiếu tính răn đe. Trong vụ sữa giả, dù 8 bị can đã bị bắt tạm giam với các tội danh nghiêm trọng như “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng nếu nhìn lại các vụ trước đó, tỷ lệ khởi tố hình sự vẫn ở mức thấp. Trung bình, chỉ 1 trong 7 vụ vi phạm hàng giả bị đưa ra xét xử hình sự, còn lại thường dừng ở mức xử phạt hành chính. Sự “khoan dung” này vô tình tạo ra một “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng tiếp tục tái phạm.
Thứ hai, hệ thống sản xuất và phân phối hàng giả ngày càng được tổ chức tinh vi và có dấu hiệu cấu kết chặt chẽ. Các nhóm này không chỉ nhập lậu nguyên liệu, sử dụng giấy tờ giả mạo chứng nhận quốc tế, mà còn lôi kéo cả chuyên gia, người nổi tiếng tham gia quảng bá, tạo nên vỏ bọc hoàn hảo để đánh lừa người tiêu dùng. Trong vụ sữa giả, không ít chuyên gia dinh dưỡng có uy tín đã bị lợi dụng hình ảnh, vô tình tiếp tay cho hoạt động phi đạo đức mà chính họ cũng không ngờ tới. Đây không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật, mà còn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.
Giải pháp nào để chấm dứt thực trạng này? Một liều thuốc mạnh là cần thiết - không chỉ một liều, mà phải là một phác đồ điều trị lâu dài, toàn diện. Trước hết, cần siết chặt khâu kiểm tra, giám sát từ sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan và cơ quan y tế. Thứ hai, pháp luật cần có bước cải cách mạnh mẽ, với mức hình phạt nghiêm khắc hơn, đồng thời mở rộng phạm vi điều tra đối với các hành vi tiếp tay cho hàng giả, từ người sản xuất đến người quảng bá. Cuối cùng, và cũng là căn cơ nhất là nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Mỗi người dân phải là một “cảm biến xã hội”, không dễ bị thuyết phục bởi quảng cáo hào nhoáng, biết tự bảo vệ mình và lên tiếng khi phát hiện sai phạm. Đồng thời, các chuyên gia, người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng cần có trách nhiệm hơn trong việc kiểm chứng sản phẩm trước khi hợp tác quảng bá. Niềm tin công chúng không thể dùng để tiếp tay cho tội phạm.
Hàng giả không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà là một vấn đề đạo đức, pháp luật và tương lai quốc gia. Một đất nước để hàng giả hoành hành sẽ không thể xây dựng được một nền sản xuất chân chính và một xã hội tử tế. Vụ sữa giả là lời cảnh tỉnh đắt giá. Nhưng nếu nó chỉ dừng lại ở một bản tin thời sự, thì chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những “lon sữa độc” khác âm thầm hiện diện trong từng gia đình.