Cần lên tiếng trước hành vi bạo hành trẻ em
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ bạo hành trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Bạo hành trẻ em luôn là vấn nạn nhức nhối trong xã hội khi mà hậu quả do nó mang lại có thể khiến trẻ em tổn thương sâu sắc về cả thể xác cũng như tâm hồn. Điều đáng nói, hầu hết các vụ bạo hành trẻ em đều do chính người thân trong gia đình gây ra…
Công an TP.Dĩ An phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Dĩ An tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em
Đừng để tâm hồn trẻ nhỏ tổn thương
Vụ việc đối tượng L.H.N (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại phường 15, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) đã bị Công an TP.Thuận An khởi tố về hành vi bạo hành trẻ em (BHTE) từng gây xôn xao dư luận. Trong quá trình chung sống như vợ chồng với chị N.H.T (sinh năm 1992, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và bé B. N. P. A (là con riêng của N.H.T), N. thường xuyên đánh đập và chửi mắng bé A. Đỉnh điểm, trong một clip được phát tán trên mạng xã hội, N. đã dùng tay, chân đánh vào lưng, bụng, đầu, thậm chí dùng sức đè lên người và nhấc đứa bé lên để đánh. Mặc cho đứa bé bò trườn van xin, đối tượng vẫn tiếp tục vừa đánh vừa buông lời tục tĩu chửi bới.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đã xảy ra những vụ BHTE gây phẫn nộ trong dư luận. Những vụ việc xảy ra trong gia đình chủ yếu là do cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Bên cạnh đó là những trường hợp trẻ bị bạo hành tại các cơ sở giữ trẻ tự phát.
Luật sư Nguyễn Phước Long, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia tỉnh, cho biết bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Trong đó, bạo lực thể chất là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác. Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần bao gồm, như: Chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; gây áp lực thường xuyên về tâm lý… Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến sức khỏe về mặt thể chất nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.
Một thực tế đau lòng là hầu hết các vụ BHTE đều do chính người thân trong gia đình hoặc người quen gây ra. Các bạo lực gia đình rất khó phát hiện vì xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình. Người gây ra hành vi bạo hành gia đình và người dung túng tiếp tay đa phần là những người ruột thịt của các em. Trẻ em không có khả năng phản kháng, nên khi sự việc được phát hiện thì tình trạng các em đã ở mức nghiêm trọng, khi các em đã được đưa đến viện thì luôn trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.
Xử lý nghiêm, tăng sức răn đe
Nói về quy định của pháp luật xử lý hành lý đối với hành vi BHTE, luật sư Nguyễn Phước Long cho biết: “Các hành vi BHTE sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật và tùy vào từng mức độ vi phạm mà hành vi BHTE có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi BHTE có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, như: Tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người. Như vậy, người có hành vi BHTE có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi”.
Để bảo vệ trẻ em không bị bạo hành, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các bậc phụ huynh, công tác giáo dục, quản lý trẻ ở cơ sở, các trung tâm nuôi dạy trẻ phải được thực hiện tốt, đồng bộ. Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quan trọng hơn hết vẫn là sự chung tay, phối hợp của gia đình, nhà trường để bảo vệ trẻ em.
Luật sư Nguyễn Phước Long, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia tỉnh: “Các quy định của pháp luật về xử phạt đối tượng vi phạm phải đủ sức răn đe, là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai xem thường sức khỏe, tính mạng trẻ em. Ngoài các chế tài của pháp luật, điều quan trọng nhất để phòng chống, ngăn chặn bạo hành, xâm hại trẻ em đó là gia đình. Gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người cha người mẹ, cùng nhau yêu thương, quan tâm chăm sóc con cái, bảo vệ con khỏi những tác nhân gây hại”.