Cần lên án mạnh mẽ trò đánh tráo khái niệm về tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Chống phá cách mạng Việt Nam là âm mưu lâu dài của các thế lực thù địch, phản động, thiếu thiện chí. Trong đó, việc cáo buộc về cái gọi là 'tù nhân lương tâm' là nhằm xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việt Nam không có “tù nhân lương tâm”
Mới đây, Đài châu Á tự do (RFA) lại đề cập đến khái niệm “tù nhân lương tâm” khi đưa tin có những yêu cầu đòi trả tự do cho tất cả các tù nhân loại này ở Việt Nam. Đây không phải là luận điệu mới mẻ gì, bởi từ nhiều năm gần đây, để xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch, các tổ chức nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA thường tìm cách cổ xúy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị. Họ gọi những đối tượng này một cách mỹ miều là “tù nhân lương tâm” nhằm đánh lừa dư luận, vu cáo Nhà nước ta vi phạm nhân quyền.
Không chỉ cổ xúy cho hành vi của các đối tượng được gọi là “tù nhân lương tâm”, các thế lực này còn lớn tiếng yêu cầu cơ quan chức năng phải trả tự do cho các đối tượng này. Họ liên tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc như “tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam thường xuyên bị ngược đãi, đe dọa”; “tù nhân lương tâm bị đánh đập, thiếu đồ ăn thức uống”; “chính quyền Việt Nam phải đặc xá, thả tất cả tù nhân lương tâm”.
Hãy xem những “tù nhân lương tâm” mà RFA thường nhắc đến như Phạm Thị Đoan Trang, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Đình Lượng... là ai. Không khó khăn gì có thể tìm thấy thông tin trên báo chí đã chỉ rõ rằng đây là những người lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, chống tiêu cực, từ thiện, môi trường… để tuyên truyền chống phá chính quyền; trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền... Tất cả những người kể trên đều bị kết án theo một quy trình tố tụng nghiêm ngặt, việc xét xử và bản án được báo chí đưa tin công khai, rõ ràng.
Như vậy, phải khẳng định rõ ở Việt Nam không có “tù nhân lương tâm”. Trên thực tế, việc một người nào đó bị kết án là hậu quả trực tiếp do hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Pháp luật Việt Nam rất rõ ràng. Các quy định về tội phạm và hình phạt đều được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự và công khai đến tất cả mọi người. Ngay trong khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự cũng khẳng định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Vì vậy, việc RFA sử dụng cụm từ “tù nhân lương tâm” khi đề cập đến các đối tượng vi phạm pháp luật ở Việt Nam là hành vi cố tình lấp liếm, đánh tráo khái niệm, để đánh lừa dư luận nhằm mục đích xấu. Không những thế, những ai theo dõi đài RFA đều có thể thấy đây là kênh truyền thông thường xuyên đưa tin tức và bình luận mang tính tiêu cực, một chiều về các sự kiện diễn ra tại Việt Nam. Mục đích là nhằm xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Mới đây nhất, trong khi Đảng, Nhà nước và các địa phương đang nỗ lực ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra, thì FRA lại lên tiếng vu cáo rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai. Hay khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường đi tham dự Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại Mỹ, RFA lại dựng lên vấn đề “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam và cho rằng việc phóng thích những người này có thể tạo không khí thuận lợi cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Mọi thành quả phát triển đều hướng vào con người
Thực tế trên cho thấy vấn đề nhân quyền luôn bị các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam làm “nóng” để tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Tuy nhiên, những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là điều không thể phủ nhận.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Tuyên ngôn nhân quyền thế giới vào năm 1948 và là thành viên sáng lập của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2006. Việt Nam cũng đã tham gia và thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc tham gia Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ ba vào tháng
1-2024. Việt Nam đã trình bày báo cáo quốc gia về tình hình quyền con người trong nước, nhận được nhiều lời khen ngợi và gợi ý từ các quốc gia khác; chấp nhận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị của UPR, thể hiện sự cởi mở, hợp tác và cam kết cải thiện quyền con người trong nước.
Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Mọi quyết sách đều xuất phát từ con người; mọi thành quả phát triển đều hướng vào bảo đảm tốt nhất quyền con người. Nói về thành tựu nhân quyền của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định:
“Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”.
Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ, kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm 2023; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng… Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đại chúng, Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã giúp tăng cường tự do báo chí, tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin. Hiện nay, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt hơn 78 triệu người, mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8% dân số Việt Nam.
Những thành tựu đó đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Minh chứng rõ nhất là Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014 - 2016). Điều này thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thực thi quyền con người. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022 đã nhấn mạnh rằng, những kết quả mà Việt Nam đạt được là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.
Đó là những hiện thực sinh động phản bác những cáo buộc không đúng nhằm vào Việt Nam. Những nhận định phiến diện, thiếu khách quan, không chính xác về vấn đề quyền con người ở Việt Nam cần bị đấu tranh, lên án mạnh mẽ, qua đó đưa đến sự nhìn nhận khách quan, toàn diện, chính xác về những thành tựu trong bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam hiện nay.