Cần làm rõ những thắc mắc trong hợp đồng cung cấp và lắp đặt đèn diệt khuẩn nước sinh hoạt khu cao ốc Đảo Kim Cương
Phản ánh với phóng viên Báo Nhân Dân, nhiều cư dân khu cao ốc Đảo Kim Cương bức xúc cho biết, họ đang bị nhà thầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ nước và môi trường Duy Nguyễn lừa dối trong quá trình thực hiện hợp đồng 'Cung cấp và lắp đặt đèn diệt khuẩn nước sinh hoạt (Đèn UV) phase 2' cho Đảo Kim Cương.
Trong đơn phản ánh gửi báo chí, cư dân tại cao ốc Đảo Kim Cương (số 1, Trần Quý Kiên, phường Bình Trung Tây, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nhà thầu Duy Nguyễn đã cung cấp hàng hóa không đúng yêu cầu và đã làm giả hồ sơ chứng từ nhập khẩu để hợp thức hóa.
Theo phản ánh, ngày 30/11/2023, Ban quản trị cao ốc Đảo Kim Cương phát hành Hồ sơ mời chào giá gói thầu “Cung cấp và lắp đặt đèn diệt khuẩn nước sinh hoạt (đèn UV) phase 2”.
Theo hồ sơ pháp lý của gói thầu đã được phê duyệt (bao gồm: Dự toán và kế hoạch đấu thầu; Chủ trương cung cấp và lắp đặt; Hồ sơ yêu cầu mời chào giá; Kết quả lựa chọn nhà thầu…) thì hàng hóa được yêu cầu cung cấp và lắp đặt bao gồm: 80 bóng đèn UV, 1 ống thạch anh và 1 ballast, tất cả có nhãn hiệu Culligan, xuất xứ Italy.
Ngày 31/12/2023, Ban quản trị, Ban quản lý cao ốc Đảo Kim Cương và nhà thầu đã ký kết Hợp đồng số BQT-PMC-DNG2023/KC-PL để thực hiện gói thầu nói trên. Giá trị hợp đồng là 686.833.950 đồng. Thời hạn cung cấp và lắp đặt là 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Tuy nhiên, đến hết thời hạn hợp đồng là 28/2/2024, nhà thầu vẫn không giao hàng.
Đến ngày 13/3/2024 nhà thầu mới giao hàng đợt 1 gồm: 60 bóng đèn UV và 1 ống thạch anh. Sau đó gần một tháng, đến ngày 8/4/2024 nhà thầu mới giao tiếp đợt 2 gồm 20 bóng đèn UV và 1 ballast.
Trong cả hai lần giao hàng, nhà thầu đã không cung cấp hồ sơ chứng từ nhập khẩu của hàng hóa theo quy định, thông tin in trên các bóng đèn UV thể hiện hàng hóa có nhãn hiệu là “PURO”, không phải là “Culligan” theo như hợp đồng và không thể hiện xuất xứ.
Hơn một tháng sau khi giao hàng và sau khi tất cả các bóng đèn UV đã được lắp đặt vào các tòa nhà, nhà thầu mới cung cấp một bộ “hồ sơ chứng từ nhập khẩu”, trong đó có tờ khai hải quan số 106168814360 để “hợp thức hóa” cho toàn bộ số hàng đã cung cấp.
Ngày 4/5/2024 Ban quản trị đã tổ chức nghiệm thu gói thầu đèn UV. Ngày 30/5/2024 Ban quản trị đã họp với cư dân để báo cáo cho cư dân về công tác lắp đặt và nghiệm thu gói thầu đèn UV trong đó có bộ “hồ sơ chứng từ nhập khẩu” do nhà thầu cung cấp, đã được dùng làm căn cứ để nghiệm thu và đã được nghiệm thu.
Sau khi xem xét bộ “hồ sơ chứng từ nhập khẩu” này, các cư dân phát hiện có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Đầu tiên là sự bất hợp lý về thời gian, trên bộ chứng từ thể hiện rằng ngày 27/3/2024 nhà thầu mới mở tờ khai hải quan và ngày 29/3/2024 hàng hóa mới được thông quan.
Nhưng trước đó hơn 2 tuần, ngày 13/3/2024 nhà thầu đã “có hàng” để giao cho cư dân. Rõ ràng là bộ “hồ sơ chứng từ nhập khẩu” này không liên quan và không phải của lô hàng đã giao, nhà thầu đã có sự gian dối về hồ sơ chứng từ.
Tiếp đó, các cư dân đã tìm hiểu và nhận thấy rằng, bộ hồ sơ chứng từ nói trên là giả mạo. Dựa vào một bộ hồ sơ nhập khẩu của lô hàng khác, không liên quan, nhưng do các thông tin trong đó không phù hợp về số lượng và ký mã hiệu với các hàng hóa đã giao, nhà thầu đã làm giả một bộ hồ sơ nhập khẩu khác để hợp thức hóa cho toàn bộ lô hàng.
Đầu tiên là chỉnh sửa tờ khai hải quan, trên tờ khai hải quan số 106168814360 ngày 27/3/2024 theo hồ sơ gốc của cơ quan Hải quan, số lượng bóng đèn thực nhập chỉ là 30 cái.
Để hợp thức hóa cho lô hàng 80 bóng đèn đã giao cho Đảo Kim Cương, nhà thầu đã chỉnh sửa tờ khai hải quan này, số lượng 30 bóng đèn đã bị sửa thành 100 cái.
Tiếp theo, nhà thầu còn làm giả thêm một chứng từ khác. Trên Packing list trong hồ sơ gốc, các bóng đèn thực nhập có mã hiệu là “LAMPADA GERMICIDA G64T5L/2C”, không khớp với thực tế giao hàng và số lượng nhập chỉ là 30 cái.
Vì vậy, nhà thầu đã phải làm giả một Packing list khác, trong đó mã hiệu bóng đèn được ghi lại là “UV-C64-2P” với số lượng là 100 cái, mục đích là để cho giống với mã hiệu in trên các bóng đèn đã giao và cho đủ số lượng để hợp thức hóa cho 80 bóng đèn.
Với bộ chứng từ giả mạo trên, nhà thầu đã qua mắt được khách hàng và đã được Ban quản trị nghiệm thu, thanh quyết toán hợp đồng.
Nhiều cư dân cho rằng, nhà thầu đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật với hành vi sửa chữa tài liệu của cơ quan tổ chức hoặc làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
Ngoài ra, do nhà thầu đã có hành vi gian dối về hồ sơ chứng từ nên các cư dân cũng nghi ngờ rằng các hàng hóa đã cung cấp cho Đảo Kim Cương là hàng trôi nổi hoặc nhập lậu, nguồn gốc không rõ ràng. Nếu là hàng có nguồn gốc rõ ràng thì tại sao nhà thầu phải làm giả hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa như vậy?
Cư dân cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của Ban quản trị và Ban quản lý và yêu cầu phải công khai minh bạch về quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán của các gói thầu theo đúng Quy chế tòa nhà chung cư Đảo Kim Cương.
Mặc dù, ngày 6/8/2024 Ủy ban nhân dân phường Bình Trưng Tây đã có công văn số 1033/UBND để nhắc nhở, nhưng hiện nay Ban quản trị vẫn không công khai minh bạch đầy đủ các thông tin theo đúng quy định.
Hiện nay, cư dân của chung cư Đảo Kim Cương đang đóng mức phí quản lý lên đến 23.000 đồng/m2, thuộc top đầu các chung cư cao cấp có mức phí quản lý cao nhất cả nước. Với 7 tòa nhà cao tầng, khu chung cư này đang có gần 1.400 hộ dân, riêng khoản phí quản lý, mỗi năm cư dân đóng là hơn 49 tỷ đồng/năm. Hiện quỹ bảo trì chung cư cũng có giá trị rất lớn với khoảng 200 tỷ đồng.