Cần làm rõ nguyên nhân chậm lương của cán bộ kiểm lâm Huế sau sáp nhập

Cần có sự nghiên cứu, phân tích để làm rõ nguyên nhân dẫn đến trễ lương sang tháng thứ 4 của cán bộ, nhân viên Hạt kiểm lâm thành phố Huế trước đây. Điều này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Cán bộ Hạt kiểm lâm thành phố Huế (cũ) tiếp nhận động vật hoang dã từ người dân để đưa trả về thiên nhiên.

Cán bộ Hạt kiểm lâm thành phố Huế (cũ) tiếp nhận động vật hoang dã từ người dân để đưa trả về thiên nhiên.

Hạt kiểm lâm thành phố Huế, thuộc Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên Huế trước đây. Sau ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố Huế cũ được chia thành hai quận Thuận Hóa, Phú Xuân. Hạt kiểm lâm thành phố Huế theo đó dự kiến tách thành hai đơn vị, do quân số ít nên đã được tham mưu thành lập Hạt kiểm lâm liên quận Thuận Hóa- Phú Xuân.

Điều đáng nói, trong khi các đơn vị khác ngoài ngành kiểm lâm đều đã thực hiện xong việc chia tách, sáp nhập và đã đi vào hoạt động ngay sau đó, thì toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức của Hạt kiểm lâm thành phố Huế trước đây đến nay vẫn chưa có quyết định thành lập. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị, như báo cáo nợ con dấu số 01 ngày 24/3/2025, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Huế Lê Nhân Đức ghi nhận: Đơn vị vẫn chưa có tên chính thức do đó chưa được cấp con dấu để hoạt động sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Các hoạt động của đơn vị bị ngưng trệ, các hoạt động chi thường xuyên, chi không thường xuyên vẫn chưa được triển khai và không có con dấu để làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết công việc cũng như tham mưu về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã trên địa bàn cho quận Thuận Hóa, quận Phú Xuân, Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế.

Hơn thế, cũng do chưa có quyết định thành lập nên đã sang tháng thứ 4 tính từ thời điểm Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cán bộ công chức và hợp đồng lao động của đơn vị vẫn chưa có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó đơn vị cũng đã nợ bảo hiểm xã hội sang tháng thứ tư, việc xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức và người lao động xin nghỉ về hưu, thôi việc theo Nghị định 178 cũng bị ảnh hưởng. Toàn bộ người lao động đã không được gia hạn bảo hiểm y tế suốt bốn tháng qua.

Tại báo cáo giải trình gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế ngày 31/3/2025, ông Đinh Công Bình, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm thành phố Huế cho rằng, việc tuân thủ quy trình là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ nói trên.

Cụ thể: "Việc chậm lương của cán bộ công chức và lao động hợp đồng là lý do khách quan, do việc xây dựng Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức phải thực hiện bảo đảm theo quy trình văn bản quy phạm pháp luật cần phải có thời gian xem xét, thẩm định và ban hành, nên đến thời điểm hiện tại, các đơn vị trên chưa thể đăng ký mẫu dấu để giải quyết trên các chứng từ với kho bạc nhà nước".

Đất nước đang trong quá trình sắp xếp lại từ trung ương đến địa phương. Trong lộ trình này sẽ có nhiều cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để một đơn vị suốt bốn tháng qua vẫn chưa có quyết định thành lập, chưa có con dấu để hoạt động, và không thanh toán được tiền lương cũng như bảo đảm chế độ cho người lao động là điều khó có thể chấp nhận.

Nếu chính xác nguyên nhân của sự chậm trễ là do phải tuân thủ quy trình như Chi cục kiểm lâm thành phố Huế báo cáo, thì Ủy ban nhân dân thành phố Huế cùng các Sở liên quan cần phân tích, làm rõ, tìm ra điểm nghẽn để đề xuất tháo gỡ.

Điều này không chỉ giúp tháo gỡ vấn đề tại địa phương, mà còn giúp các cơ quan chức năng ở Trung ương có giải pháp phù hợp, tránh để tái diễn ở nhiều đơn vị, địa phương khác khi thực hiện lộ trình sắp xếp bộ máy trong thời gian đến.

DƯƠNG QUANG TIẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-lam-ro-nguyen-nhan-cham-luong-cua-can-bo-kiem-lam-hue-sau-sat-nhap-post871326.html
Zalo