Cần làm rõ một số nội dung để hoàn thiện các dự thảo luật

Nhiều dự án luật đã được lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức, đơn vị tham gia góp ý, thảo luận. Đây là những dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Ngày 15/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị góp ý các dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

 Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu gợi mở các vấn đề cần góp ý

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu gợi mở các vấn đề cần góp ý

Phát huy giá trị di sản

Đối với Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung nêu ý kiến liên quan đến việc xác định lại hoạt động công chứng, các quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên; quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên và quy định chuyển tiếp đối với các đối tượng theo luật hiện hành, bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng, quy định bổ nhiệm công chứng viên, quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng 12 tháng đối với tất cả các đối tượng…

Các quy định Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, quy định tên gọi của văn phòng cônng chứng, quy định các trường hợp tạm ngừng, thời hạn tạm ngừng… cũng được các đại biểu quan tâm.

Quá trình vận động, biến đổi không ngừng từ thực tiễn đã bộc lộ nhiều vấn đề mới phát sinh, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cần sớm được xử lý hài hòa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung kịp thời một số “khoảng trống”, nội dung còn chồng chéo với các quy định khác, do vậy các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng.

Góp ý vào dự thảo luật này, các đại biểu tập trung đề nghị điều chỉnh một số thuật ngữ liên quan trong thực thi và áp dụng pháp luật; quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, quy định chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản,…

Liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các đại biểu tập trung cho ý kiến về cơ chế xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia, chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa…

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có một số chương được quy định mới. Cụ thể, Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là chương mới, được đưa vào dự thảo Luật để đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Chương V về Bảo tàng cũng là chương mới, được tách ra từ Mục 3 Chương IV Luật Di sản văn hóa hiện hành. Các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn hoặc quy định mới, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tàng…

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có một chương mới quy định các nội dung về bảo tàng

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có một chương mới quy định các nội dung về bảo tàng

Quy định rõ hơn một số hành vi

Tại phiên làm việc chiều 15/5, đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu tham dự hội nghị cơ bản thống nhất, đánh giá cao nội dung trong các dự thảo luật.

Đối với Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đa số đại biểu mong muốn làm rõ hơn về các hành vi: Dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người; Cản trở việc giải cứu tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi mua bán người… và sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc và chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số từ ngữ chưa phù hợp trong các dự thảo luật; làm rõ một số nội dung về quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài; quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; đối tượng và các chế độ hỗ trợ đối với các nạn nhân;…

Về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu góp ý vào các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về nhận diện các vật liệu nổ, chất nổ; việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ và các hình thức khác theo quy định; xem xét về công tác quản lý nhà nước…

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu ghi nhận, đánh giá cao những góp ý của lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức, đơn vị cho các dự án luật, đồng thời cho rằng, những góp ý này phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay Việt Nam nói chung và của ThưàThiên Huế nói riêng, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa di sản.

Bà Sửu đã phân tích, làm rõ hơn về một số nội dung trong các dự thảo Luật, đồng thời cho biết, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ xem xét số lượng dự án luật cao nhất từ trước đến nay. Những góp ý của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và có ý kiến tại kỳ họp này.

LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/can-lam-ro-mot-so-noi-dung-de-hoan-thien-cac-du-thao-luat-140883.html
Zalo