Cần làm rõ điều kiện an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

Trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội đề nghị phải làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Chiều 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 19/6/2024, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đã có 107 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, ngoài những vấn đề đại biểu quan tâm, đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; các quy định tại dự thảo Luật đã phù hợp với pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật? Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cũng như tính thống nhất và tính khả thi của các điều khoản Luật…

Tham gia ý kến, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo đại biểu, trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Góp ý về một số nội dung cụ thể về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

“Do đó, đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật”, ông Mai nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đồng thời, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có quy định thống nhất đối với Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Điều 40, Điều 41 của dự thảo Luật với các quy định về lực lượng, thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành.

Về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành, tại khoản 3 Điều 42 quy định: “Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “khi có yêu cầu” vì tại khoản 11, 12, 13 Điều 3 của dự thảo Luật quy định: lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nên đương nhiên có trách nhiệm tham gia tại địa bàn phụ trách.

Chú trọng việc phát huy vai trò của người dân địa phương trong công tác PCCC

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền nhận thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm quản lý của nhà nước và cơ quan chuyên trách.

“Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chín thì đề nghị quy định trực tiếp vào luật; hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để đảm bảo khách quan, rõ ràng”, ông Hòa nói.

Về chính sách của Nhà nước nước tại Điều 4, đại biểu cho rằng cần cụ thể, rõ ràng hơn trên từng lĩnh vực; quy định như dự thảo là quá chung chung, khó khả thi. Chính sách ban hành cho đối tương nào thì phải có địa chỉ trên từng lĩnh vực có liên quan.

Đại biểu cũng chỉ rõ, quy định tại khoản 3 Điều 4 về “tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cộng đồng”… là chưa cụ thể.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị bổ sung quy định ưu tiên xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng, với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

“Ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định, thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, đại biểu kiến nghị.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.

Với mục đích bổ sung đầy đủ quy định để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập đã diễn ra trong thực tiễn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm nội dung sau: nghiêm cấm việc người được giao nhiệm vụ thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; hoặc có hành vi khác tiếp tay, giúp sức cho việc thi công xây dựng cải tạo công trình, hạng mục công trình, chế tạo hoán cải phương tiện giao thông cơ giới không đảm bảo các điều kiện theo quy định của luật về phòng cháy và chữa cháy.

Tại Điều 42, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: chủ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ sở, địa bàn quản lý và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở các cơ sở địa bàn khác khi có yêu cầu.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-lam-ro-dieu-kien-an-toan-phong-chay-doi-voi-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-post1104238.vov
Zalo