Cần làm rõ các nội dung về thiết kế, vận hành nhà máy điện hạt nhân

Đối với nội dung, giải pháp của các chính sách liên quan đến phát triển điện hạt nhân, đại diện Bộ Công Thương đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung, làm rõ nội dung, giải pháp quy định về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thiết kế nhà máy điện hạt nhân, cấp giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân...

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, ngày 26/9, Bộ Tư pháp họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua 15 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã phát huy vai trò to lớn trong thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đó.

Hành lang pháp lý về năng lượng nguyên tử ngày càng được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ứng dụng kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Qua đó góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và tăng cường tiềm lực khoa học – công nghệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử theo 5 chính sách bao gồm:

- Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.

- Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước.

- Thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân;

- Tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

-Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự với thiệt hại hạt nhân.

Tuy nhiên, một số quy định về năng lượng nguyên tử đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, sự đồng bộ với một số luật mới ban hành; một số quy định thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân.

Đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về an toàn, an ninh, thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế.

Góp ý tại phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội có quy định “Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước”.

Vì vậy, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lược bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế tại dự thảo Luật. Chính phủ sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đề nghị rà soát Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật để bảo đảm thực hiện việc phân cấp, phân quyền lĩnh vực quản lý năng lượng nguyên tử theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Đối với nội dung, giải pháp của các chính sách liên quan đến phát triển điện hạt nhân, đại diện Bộ Công Thương đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung, làm rõ nội dung, giải pháp quy định về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thiết kế nhà máy điện hạt nhân, cấp giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là việc cấp giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Hiện nay, Bộ Công Thương được giao cấp Giấy phép vận hành thử nhà máy điện hạt nhân sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất giao Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép này.

Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ nội dung trên. Đồng thời, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cũng cần nêu rõ nội dung thẩm định, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt địa điểm xây dựng, các bước thiết kế nhà máy điện hạt nhân….

Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử là xây dựng và ban hành quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Quy hoạch được vận dụng như định hướng sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, nếu quy hoạch vận dụng như một tiêu chí để được cấp phép kinh doanh thì có thể không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Do đó, đại diện VCCI đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định theo hướng việc quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử chỉ đóng vai trò định hướng. Các doanh nghiệp có quyền đề xuất dự án nằm ngoài quy hoạch và vẫn được cấp phép nếu đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-lam-ro-cac-noi-dung-ve-thiet-ke-van-hanh-nha-may-dien-hat-nhan.htm
Zalo