Cần làm gì khi trẻ bị mụn trứng cá?

Trẻ bị mụn trứng cá nặng dễ bị trầm cảm, ngại kết bạn và hạn chế học các kỹ năng xã hội vì tự ti về ngoại hình của mình.

 Mụn trứng cá thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ vào tuổi dậy thì. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Mụn trứng cá thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ vào tuổi dậy thì. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên đều bị mụn trứng cá ở một thời điểm nào đó. Tuổi dậy thì là thời điểm mụn thường xuất hiện. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Mụn trứng cá ở trẻ em có thể khó kiểm soát vì da của trẻ rất nhạy cảm. Dưới đây là một số điều cha mẹ cần biết để kiểm soát mụn trứng cá ở trẻ.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở trẻ em

Theo Healthshots, khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi tế bào da chết và dầu, mụn trứng cá có thể phát triển. Ngoài ra, vi khuẩn thường có trên da có thể xâm nhập vào lỗ chân lông bị tắc.

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, mụn trứng cá nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến các mối quan hệ xã hội, gây tổn hại tiêu cực đến sự tự tin và lòng tự trọng, có thể dẫn đến các vấn đề về tâm thần.

Trẻ bị mụn trứng cá nặng dễ bị trầm cảm, ngại kết bạn và hạn chế học các kỹ năng xã hội vì tự ti về ngoại hình.

Giải pháp hạn chế mụn ở trẻ

Không rửa mặt quá nhiều

Nhiều người nghĩ rằng sử dụng các chất làm se da mạnh, rửa mặt bằng sữa rửa mặt hoặc thỉnh thoảng chà xát mặt mạnh có thể giúp trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, điều này có thể khiến làn da bị kích ứng và dễ gặp các vấn đề về da hơn.

Thay vào đó, hãy sử dụng nước ấm, dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ để rửa mặt 1-2 lần/ngày. Trẻ nên tránh chà xát nếu bị mụn trứng cá.

Không chạm tay vào mặt hoặc nặn mụn

Một số trẻ có thói quen nặn mụn để thông thoáng lỗ chân lông bị tắc. Tuy nhiên, điều này thường dẫn đến tình trạng viêm nặng, làm mụn trở nên trầm trọng và lâu khỏi hơn.

Cha mẹ nên dặn trẻ tránh chạm vào mặt nhiều lần bằng tay bẩn hoặc nặn mụn. Nhiều dầu, bụi bẩn, vi khuẩn được tiết ra trên da khi chạm vào mặt và điều này có thể dẫn đến nổi mụn. Ngoài ra, nặn mụn cũng sẽ để lại sẹo thâm khó mờ.

Uống nước thường xuyên

Uống 3-4 lít nước mỗi ngày để duy trì dưỡng ẩm cơ thể suốt cả ngày. Trẻ cũng có thể uống nước có hương vị không đường và trà xanh với nước chanh. Nước giúp giữ ẩm cho làn da, từ đó việc điều trị mụn trở nên dễ dàng hơn.

Tránh các sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa hoặc bất cứ thứ gì có thành phần sữa có thể làm cho tình trạng mụn trở nên nặng hơn.

Nói không với đồ ăn vặt

Phụ huynh nên cho trẻ tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn vặt. Ăn những thứ như bánh mì kẹp phô mai, khoai tây chiên và các thực phẩm chiên rán khác... có thể gây tổn hại cho sức khỏe làn da. Thay vào đó, cho trẻ ăn trái cây, rau quả lành mạnh để cải thiện làn da và giảm mụn.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-lam-gi-khi-tre-bi-mun-trung-ca-post1496291.html
Zalo