Cần kiểm soát chất lượng thiết bị PCCC đang 'trăm hoa đua nở' trên thị trường
Thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và của, đặc biệt là vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội và Bình Dương. Sau các vụ cháy, người dân rất quan tâm tới công tác phòng, chống cháy nổ tại nhà riêng, khu dân cư; các hộ kinh doanh, sản xuất cũng quan tâm hơn trước.
Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trong đó có thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, PV Báo CAND nhận thấy không ít sản phẩm thiết bị PCCC đang bị thả nổi về kiểm định chất lượng …
Nhập nhèm về nguồn gốc, tính năng
Tại cửa hàng bảo hộ lao động Mai Nga trên phố Nguyễn Du (Hà Nội), bình chữa cháy các loại được bày bán khá đa dạng. Chị Trang -chủ cửa hàng cho biết, hàng hóa chủ yếu là của Trung Quốc. Hiện các loại bình chữa cháy (BCC) đang bán ở mức giá cũ, dù nhà cung cấp đã báo giá lên. Bình khí 3kg hiện đang bán 410.000 đồng/bình; BCC tổng hợp (chữa cháy gỗ, điện..) 230.000 đồng/bình; BCC chất hóa lỏng (xăng, dầu): 210.000 đồng/bình; BCC để trên ôtô loại 2kg là 175.000 đồng; bình 1kg có giá 155.000 đồng; thang dây thoát hiểm có hai loại là dây dù và dây bằng cáp, bán kèm là bộ dây đai, giá cả dao động 90.000 - 150.000 đồng/m… Những thiết bị được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ có giá cao hơn. Chẳng hạn như dây thoát hiểm xuất xứ từ Hàn Quốc có giá từ 3,6 - 4,9 triệu đồng/bộ; mặt nạ phòng độc của Mỹ giá từ 2 triệu đồng/chiếc; BCC công nghệ cao có giá 700.000 đồng/bình,...
Tại cửa hàng bảo hộ lao động Dung Trọng ở phố Yết Kiêu, BCC bột có giá 220.000 đồng/bình; bình khí ruột 3kg của Việt Nam giá 550.000 đồng; bình khí 3kg của Trung Quốc có giá 450.000 đồng. Theo chủ cửa hàng này, các BCC bột hay khí khi đã mở ra dùng đều nạp lại được. Tuy nhiên, cũng giống như lời chị chủ cửa hàng Mai Nga, chủ cửa hàng Dung Trọng cho biết những mặt hàng này bán chậm. Thi thoảng có khách hỏi, chủ yếu là các nhà kinh doanh, hộ gia đình mua không nhiều...
Khác với tình trạng vừa kể, thị trường thiết bị PCCC tại TP Hồ Chí Minh hiện đang “nóng” lên từng ngày, sức mua tăng gấp nhiều lần so với trước nhất là sau khi xảy những vụ cháy karaoke ở Bình Dương, Đồng Nai, và mới đây là vụ cháy tại căn hộ chung cư trên đường Võ Văn Kiệt, quận 8.
Tại một cửa hàng chuyên cung cấp sỉ và bán lẻ các thiết bị PCCC trên đường Xuân Hồng, quận Tân Bình, BCC bột BC, loại từ 1 - 35kg, giá 140.000 - 1.500.000 đồng; BCC bột ABC 4 - 35 kg giá 195.000 - 1.650.000 đồng; BCC CO2 từ 3-24kg, giá 350.000 -3,8 triệu đồng; BCC mini Foam 500 -1.000ml giá 75.000 - 90.000 đồng/bình; BCC Foam 9 - 50L, giá từ 430.000-3,8 triệu đồng/bình.
Theo nhân viên bán hàng ở đây, trước kia cửa hàng chủ yếu bán cho các nhà máy, xí nghiệp, các công trình xây dựng… còn khách lẻ, mỗi ngày chỉ bán vài bộ mặt nạ chống độc và BCC. Nhưng thời gian gần đây, khách lẻ mua nhiều hơn, đặc biệt là các hộ dân sống ở các khu chung cư.
Cùng với các cửa hàng bày bán trực tiếp, trên chợ mạng, các mặt hàng này được rao bán khá nhiều, về giá cũng không chênh lệch nhiều so với các cửa hàng bán trực tiếp. Trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… các thiết bị PCCC được quảng cáo bán hàng với nhiều mức giá cũng như nguồn gốc xuất xứ khác nhau từ trong nước sản xuất cho đến nước ngoài.
Khách hàng thoải mái lựa chọn các sản phẩm với đầy đủ các thông tin được các trang thương mại cập nhật. Như BCC Dragon Powder bộ 4kg sản xuất trong nước có giá gần 400.000 đồng/bình. Đối với BCC nhập từ Hàn Quốc, giá đội lên đến 600.000 đồng/ bình loại 3,3kg. Giá cả rẻ nhất đối với các loại BCCvẫn là sản phẩm đến từ Trung Quốc với giá dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/ bình…
Ngoài sản phẩm BCC, mặt nạ chống khói cũng được nhiều trang thương mại điện tử rao bán với đủ loại xuất xứ, chất liệu và giá cả khác nhau. Giá cả một chiếc mặt nạ chống khói dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một chiếc tùy nguồn gốc sản phẩm, trong đó giá thấp nhất vẫn là sản phẩm mặt nạ chống khói nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sản phẩm không đạt chất lượng
Thiết bị PCCC trên thị trường khá đa dạng về mẫu mã, chủng loại, xuất xứ, nên người tiêu dùng cũng rất khó trong việc nhận biết hàng đạt tiêu chuẩn, cùng với đó, nguy cơ mua thiết bị PCCC là hàng trôi nổi cũng khá cao. Một số cửa hàng bán BCCcó xuất xứ từ Trung Quốc xác nhận họ chỉ dán tem bảo hành sản phẩm một năm chứ không có tem kiểm định hay nhãn phụ tiếng Việt. Do vậy, người tiêu dùng khá e ngại trước sự nhập nhèm về nguồn gốc, tính năng sản phẩm PCCC, khi cháy nổ xảy ra, lo ngại sử dụng sẽ không có hiệu quả.
Tại TP Hồ Chí Minh, hầu hết các cửa hàng kinh doanh các thiết bị PCCC, đều quảng cáo là hàng nhập chính ngạch, xuất xứ rõ ràng, có tem kiểm định và trưng bày giấy chứng nhận kiểm định PCCC và giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC… để tạo sự yên tâm cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kiểm tra kiểm soát của các cơ quan chức năng về lĩnh vực ngành nghề này trong thời gian qua vẫn chưa nhiều, chưa chuyên sâu, nên vẫn còn “kẽ hở” để hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng trà trộn, thậm chí có cơ sở kinh doanh sử dụng tem kiểm định giả để dán lên sản phẩm. Nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh, mua các thiết bị PCCC Trung Quốc có giá rẻ không đảm bảo chất lượng, để đối phó với các lực lượng kiểm tra.
Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh, “tem kiểm định” có ý nghĩa là ngay khi sản phẩm xuất xưởng, loại phương tiện này đã được kiểm tra về mặt chất lượng. Trong quá trình đưa vào vận hành thì tem kiểm định không sử dụng mãi mãi, nhà sản xuất, đơn vị bảo dưỡng có trách nhiệm trên thông số đó. Có những loại BCC sau khi đã sử dụng (chữa cháy) rồi thì sang chiết nạp lại, hoặc là trong thời gian 2-3 năm đã hết thời hạn bảo hành của đơn vị sản xuất thì buộc phải kiểm tra và dán tem kiểm định lại.
“Nguyên tắc là các phương tiện trang thiết bị PCCC trước khi lưu hành là phải được kiểm tra, kiểm định chất lượng và dán tem kiểm định của Bộ Công an mới được đưa vào sử dụng. Còn trường hợp đơn vị kinh doanh bán thiết bị PCCC không có tem kiểm định là vi phạm, nếu lực lượng chức năng phát hiện có quyền xử lý”, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan khẳng định.
Cũng liên quan đến chất lượng các thiết bị PCCC, đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an cho biết, theo quy định, các thiết bị PCCC trong danh mục phải được kiểm định chủng loại, mẫu mã, số lượng, nguồn gốc, thời gian sản xuất, số sê ri, thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng thiết bị. Yêu cầu kỹ thuật của từng thiết bị PCCC được quy định tại Quy chuẩn 03:2021/BCA của Bộ Công an. Tem kiểm định trên các sản phẩm được cấp phép đều có QrCode. Khi tem đã được kích hoạt, quét QrCode sẽ có thông tin ngày kiểm định, đơn vị kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định… Quá trình kiểm tra chất lượng, dán tem kiểm định, cơ quan chức năng cũng phát hiện các sản phẩm không đạt chất lượng.
Trước thực tế nhiều thiết bị PCCC được bày bán trôi nổi, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, các thiết bị PCCC là mặt hàng chuyên dụng, có yêu cầu riêng của cơ quan chức năng khi hoạt động kinh doanh, các sản phẩm được lưu thông ngoài thị trường phải được cơ quan chức năng dán tem kiểm định. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan để kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc lưu thông các mặt hàng này trên thị trường. Nếu phát hiện vi phạm sẽ nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đối với người tiêu dùng, khi mua các thiết bị PCCC cần phải kiểm tra kỹ về tem kiểm định chất lượng, thời gian sử dụng ghi trên sản phẩm qua đó tránh việc bỏ ra số tiền lớn nhưng vẫn mua phải hàng kém chất lượng.
Các thiết bị phòng cháy, chữa cháy được bày bán tại các cửa hàng bảo hộ lao động.