Cần khảo sát, đánh giá khách quan nguyên nhân và khắc phục sạt lở bờ sông Cu Đê

Ngày 9-10, ông Võ Khoa Nguyên – Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng thông tin các nội dung liên quan đến sạt lở bờ sông Cu Đê tại địa bàn P. Hòa Hiệp Bắc.

Sạt lở, xâm thực cửa sông Cu Đê ngày càng nghiêm trọng.

Sạt lở, xâm thực cửa sông Cu Đê ngày càng nghiêm trọng.

Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu cho biết, khu vực bờ Bắc cửa sông Cu Đê đã được đầu tư bờ kè kiên cố vào năm 2010 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và thành phố; riêng khu vực bờ phía Nam sông Cu Đê thì chưa được đầu tư.Tháng 9-2024, cả 2 bên bờ đều có sự xâm thực và sạt lở đất, nghiêm trọng nhất là khu vực phía Nam (chưa có kè chắn sóng), độ sâu sạt lở khoảng 180-200 m so với năm 2010. Qua ghi nhận từ năm 2010 đến nay thì việc xâm thực gây sạt lở tại khu vực cửa sông Cu Đê thường diễn ra vào mùa mưa bão (thời gian từ tháng 9 đến tháng 12) và bồi đắp lại vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8.

Cũng từ năm 2010, cơ quan chức năng địa phương ghi nhận bãi cát phía bờ Bắc (phường Hòa Hiệp Bắc) sát cầu Nam Ô có độ rộng rất ngắn và bồi dần qua các năm, đến nay tạo ra bãi cát trải rộng ra lòng cửa sông từ 40-80m. Từ năm 2019 đến nay, hình ảnh ghi nhận bờ Nam cửa sông bị xâm thực và sạt lở nặng nề, trong đó năm 2024 sạt lở vào sâu dự án Khu du lịch sinh thái (KDLST) Nam Ô khoảng 2,68 ha và bồi lắng sang phía Bắc.Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan gây gió, sóng mạnh trên biển, mưa lũ làm tăng dòng chảy trên sông Cu Đê. Cùng với đó, việc thi công các hạng mục, dự án trong Vịnh Đà Nẵng ảnh hưởng đến các yếu tố thủy văn, dòng chảy, điều kiện tự nhiên tại khu vực nên cần phải khảo sát, đánh giá một cách khách quan trên cơ sở khoa học nhằm tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp khắc phục mang tính tổng thể, lâu dài.

Cũng theo ông Nguyên, do dự án KDLST Nam Ô có diện tích sạt lở khá lớn (2,68 ha) và phần lớn cốt nền hiện trạng thấp trũng, ao hồ nên để triển khai được dự án thì cần phải triển khai các hạng mục chắn, giữ đất nhằm chống sạt lở khẩn cấp, giữ đất và bảo vệ các công trình hạng mục thuộc dự án. Nội dung này cũng đã được Cục hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đánh giá sự cần thiết phải đầu tư và đã được thẩm định tại Công văn số 274 ngày 9-11-2023.Trong tương lai, khi dự án Cảng biển Liên Chiểu đi vào hoạt động thì việc nạo vét, khơi thông luồng di chuyển của tàu, nạo vét khối lượng cát bồi lắng phía trong đê chắn sóng của các hệ bến (đặc biệt là hệ bến D cảng lỏng) ở khu vực lân cận cửa sông Cu Đê sẽ thực hiện định kỳ, thường xuyên. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn sẽ có phương án đánh giá tác động môi trường, tính toán khả năng đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án và nhất là công trình cầu đường sắt Nam Ô, đường bộ, công trình quốc phòng và dự án KDLST Nam Ô.

Đối với người dân ở phía Đông Bắc sông Cu Đê giáp với cảng biển Liên Chiểu, do nằm trong khu vực quy hoạch di dời để thực hiện các dự án hậu cần cảng biển và khu phi thương mại tự do nên khả năng ảnh hưởng trong tương lai là rất thấp. Thành phố sẽ có các chủ trương bố trí tái định cư và khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề tham gia trong các dây chuyền sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng để tạo thu nhập chính đáng cho người dân địa phương trong tương lai.

Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm

Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu cho biết, trước tình hình sạt lở, bồi lấp tại khu vực cửa sông, năm 2021, UBND thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố nghiên cứu đề tài khoa học “Đánh giá nguyên nhân gây xói lở bồi tụ và việc nạo vét, khơi thông tại cửa sông Cu Đê”. Hiện nay Sở KH&CN thành phố đang triển khai thực hiện, dự kiến tháng 9-2025 sẽ hoàn thành. Quận ủy, UBND quận cũng đã có đề xuất nạo vét sông Cu Đê, khơi thông luồng chạy tàu để phát triển du lịch tuyến thủy nội địa. Ban Quản lý dự án khu công nghiệp và công nghệ cao đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án. Ngay từ đầu năm 2024, UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của quận như Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, Đồn Biên phòng Hải Vân, UBND các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc phối hợp tuần tra, kiểm tra, giám sát liên tục, xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm đến môi trường, xây dựng như hút cát, vi phạm trật tự xây dựng. “Ngày 27-9, Ban Chỉ huy Quân sự quận phối hợp ngành đường sắt, UBND phường Hòa Hiệp Nam và Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng khảo sát kiểm tra hiện trường, thống nhất giao doanh nghiệp này gia cố tạm thời nhằm chống sạt lở ảnh hưởng đến công trình quốc phòng. Ngày 3-10, quận cũng đã có công văn báo cáo đề xuất UBND thành phố và Sở Xây dựng về tình trạng xâm thực gây sạt lở tại bờ phía Nam sông Cu Đê ảnh hưởng đến công trình quốc phòng, đồng thời xem xét cho chủ trương đầu tư khẩn cấp gia cố phạm vi sạt lở nêu trên”- ông Võ Khoa Nguyên cho biết.

Thời gian qua, người dân tại phường Hòa Hiệp Bắc lo lắng khi chứng kiến cửa sông Cu Đê bị xâm thực mạnh. Nhiều người cho rằng, việc thi công các hạng mục của Dự án Công viên sinh thái và quảng trường ghềnh Nam Ô do Cty CP Trung Thủy làm chủ đầu tư là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này. Ghi nhận tình hình, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã có văn bản báo cáo UBND quận Liên Chiểu về việc bờ sông Cu Đê bị xâm thực nghiêm trọng do quá trình thi công dự án KDLST Nam Ô. Theo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, tại vị trí phía bắc lưu vực sông Cu Đê (cửa sông đổ ra biển), đơn vị thi công đang triển khai thi công làm kè chắn sóng. Trong quá trình thi công cũng đã tác động lớn đến hệ sinh thái tự nhiên tại khu vực này, đồng thời ảnh hưởng đến tuyến đê kè biển tại khu vực phường Hòa Hiệp Bắc đoạn từ nhà máy xi măng Hải Vân đến cầu Nam Ô.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/can-khao-sat-danh-gia-khach-quan-nguyen-nhan-va-khac-phuc-sat-lo-bo-song-cu-de-post302577.html
Zalo