Cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải
Sáng qua, 11.9, Thường trực Ủy ban Xã hội đã thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.
Vấn đề xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm; đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhiều quy định của pháp luật đã được ban hành nhằm hướng tới giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước, cải thiện đời sống của nhân dân; đây cũng chính là mục đích của Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình) đã và đang được triển khai thực hiện.
Tuy vậy, quá trình triển khai cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện còn không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến kết quả Chương trình. Đó cũng là lý do, chỉ trong vòng hơn 1 tháng rưỡi, Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết nhằm thúc đẩy tiến độ, hiệu quả thực hiện Chương trình. Cụ thể, ngày 29.11.2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, và ngày 18.1.2024 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 “về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”. Điều này một lần nữa khẳng định, vấn đề giảm nghèo, thúc đẩy thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia luôn được Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Tại Nghị quyết số 108/2023/QH15, Quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại. Theo đó, việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch, phân bổ vốn chưa sát thực tế ở nhiều địa phương. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025. Ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng; một số chính sách, dự án chưa sát với thực tế nên chưa phát huy được hiệu quả, đời sống đồng bào chậm được cải thiện. Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 cũng cho thấy, bên cạnh góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững... thì vẫn còn những tồn tại. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình. Một số địa phương đề xuất, phê duyệt danh mục một số dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, trùng lặp.
Như vậy, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, trùng lặp dù đã được nói rất nhiều khi thực hiện Chương trình vẫn chưa được khắc phục.
Đầu tư dàn trải, đầu tư kiểu “rải mành mành”, “dàn hàng ngang” không có trọng tâm, trọng điểm, hay đầu tư trùng lặp là một trong những nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân - những người được thụ hưởng từ các chính sách nhân văn của Chương trình.
Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong tổ chức thực hiện, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, cơ quan chủ quản Chương trình, người đứng đầu các bộ, ngành liên quan, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác đối với những tồn tại, hạn chế do chủ quan, xem xét, xử lý theo quy định.
Chương trình chỉ hiệu quả khi chính sách phải đến được đối tượng thụ hưởng. Trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế mà việc đầu tư còn dàn trải, manh mún và trùng lặp thì rất khó để chương trình thực sự đi vào cuộc sống. Nếu không có giải pháp khắc phục sớm thì người dân sẽ rất khó để tiếp cận được chính sách của chương trình.
Để chính sách sớm đến với người dân, để chương trình phát huy hiệu quả cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để tạo thuận lợi cho các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Chương trình; cùng với đó, cần gắn trách nhiệm cá nhân, tập thể với tiến độ, hiệu quả thực hiện chương trình. Chỉ khi trách nhiệm được cá thể hóa và xử lý nghiêm minh thì mới khắc phục tình trạng lãng phí do đầu tư dàn trải.