Cần hơn 61.000 tỷ đồng phát triển cảng biển ở Sóc Trăng
Bộ Xây dựng vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 590/QĐ-BXD được Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ký ngày 13/5.
Theo quy hoạch, cảng biển Sóc Trăng gồm các khu bến: Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề và các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề - Sóc Trăng.
Mục tiêu đến năm 2030 đón nhận từ 30,7 triệu tấn đến 41,2 triệu tấn hàng hóa, trong đó, hàng container từ 0,97 triệu TEU đến 1,36 triệu TEU. Hành khách từ 522,1 ngàn lượt đến 566,3 ngàn lượt khách. Về cơ sở hạ tầng, hệ thống cảng biển có 6 bến cảng với 16 đến 18 cầu cảng, tổng chiều dài từ 2.693m đến 3.493m.
Tầm nhìn đến 2050, hàng hóa tăng trưởng bình quân 5,5%/năm đến 6,1%/năm, hành khách tăng 1,1%/năm đến 1,25%/năm.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 61.513 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 19.607 tỷ đồng và vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 41.906 tỷ đồng.
Các dự án ưu tiên đầu tư gồm kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và bến cảng biển. Đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi Trần Đề như luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo đậu tránh, trú bão, đài thông tin duyên hải, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải…
Đầu tư bến cảng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Long Phú I, kêu gọi đầu tư các bến cảng tại khu bến ngoài khơi cửa Trần Đề.
Theo quy hoạch của Bộ Xây dựng sẽ có 6 nhóm giải pháp để thực hiện quy hoạch, đó là: nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách sẽ khuyến khích đầu tư các bến cảng phục vụ chung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư bền cảng; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện quy hoạch, đảm bảo sự phối hợp gắn kết đồng bộ trong phát triển; huấn luyện, đào tạo cung cấp dịch vụ hàng hải tại các bến cảng mới.
Về thu hút, huy động vốn đầu tư sẽ đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch; phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất; nguồn thu từ cho thuê, khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển.
Để phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, môi trường sẽ khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh… đáp ứng các tiêu chí cảng xanh, cảng thông minh; xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp cảng xanh, cảng biển thông minh…
Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.