Cần giải pháp căn cơ để chủ động trước thiên tai

Ngày 26.10, thảo luận tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Bình Định, Sóc Trăng, Bạc Liêu), các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ trăn trở về việc lựa chọn cát biển để làm nguyên vật liệu xây dựng cao tốc Bắc Nam; các giải pháp thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ để chủ động trước sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai…

Định kỳ đánh giá tác động hiện tượng “dậy phèn”

Quan tâm đến Dự án cao tốc Bắc Nam, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) bày tỏ quan điểm: Với quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ, hệ thống 3.000km đường cao tốc trên cả nước đang được quyết tâm hoàn thành đồng bộ vào năm 2025. Theo đó, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang dần được hình thành. Tuy nhiên, một trong những khó khăn, thách thức vô cùng lớn ở công trình này là thiếu cát san lấp.

 ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu

Băn khoăn về việc thực hiện rửa mặn cát biển trong vùng nước ngọt (rửa mặn lần thứ nhất) và rửa mặn ở ngay tại công trình (rửa mặn lần thứ hai), đại biểu Nguyễn Huy Thái đặt câu hỏi: với một khối lượng cát biển lớn, khai thác trong thời gian 6 tháng, nước mặn rửa cát tác động đến môi trường như thế nào? Đã có những giải pháp nào được chọn để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường?

Bên cạnh yếu tố nhiễm mặn, đại biểu Thái đề nghị cần lưu ý yếu tố “dậy phèn” ở hai bên đường cao tốc. Khi quyết định xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trên mặt đất, do thiếu cát sông, Bộ Giao thông Vận tải đã phải thí điểm, sau đó là triển khai sử dụng cát biển để san lấp phần hạ âm của công trình. Trước đó, yếu tố nhiễm mặn đã được chỉ ra và cảnh báo.

Kết quả khảo sát cho thấy, khi sử dụng cát biển để san lấp cho đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, việc hạ âm sẽ đào xới và di chuyển một lượng đất phèn khá lớn. Hệ quả này tác động đến môi trường, sản xuất và sinh kế của người dân hai bên đường cao tốc. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần theo dõi thường xuyên, định kỳ để đánh giá tác động của hiện tượng “dậy phèn” lên môi trường, sản xuất và sinh kế của các hộ dân dọc hai bên đường cao tốc đi qua, cả ở thời điểm trong khi thi công cao tốc và cả ở thời điểm sau khi cao tốc đi vào hoạt động.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận

Đồng quan điểm trên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cần quan tâm nghiên cứu, đánh giá độ kết dính của cát biển. Yếu tố này cũng quyết định đến chất lượng của công trình. Cùng với đó, nghiên cứu giải pháp xây cao tốc trên cầu cạn đối với những đoạn phù hợp. Theo kinh nghiệm một số quốc gia, việc làm nền đường cao tốc bằng bê tông sẽ chống ngập tốt hơn. Do đó, Việt Nam nên cân nhắc giải pháp này. Hơn nữa sẽ thúc đẩy ngành xi măng phát triển, hướng tới xuất khẩu các nguyên liệu thô.

 ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu

ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6

Đề cập đến chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: đây là chủ trương đúng đắn và nhân văn, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Song để hoàn thành được mục tiêu chậm nhất tới 31.12.2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, các địa phương cần có cách làm chủ động và khoa học. Trước tiên, cần rà soát cụ thể, chi tiết số hộ cần đầu tư, hỗ trợ. Sau đó, phải xây dựng thiết kế mẫu nhà cho từng vùng. Từ đó, việc tính toán, cân đối nguồn lực đầu tư sẽ đạt hiệu quả cao, để làm sao đó, mỗi căn nhà sẽ có tuổi thọ ít nhất 20 năm trở lên…

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) phát biểu

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) phát biểu

Xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đến thôn, bản

Có thể thấy, năm 2024 nước ta chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Riêng cơn bão số 3 có sức tàn phá rất lớn, với những đặc điểm chưa có tiền lệ; là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ.

Theo đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang), cử tri tỉnh Hà Giang rất quan tâm và quan ngại về tình hình, diễn biến bất thường của thiên tai. Người dân các tỉnh miền núi thường trực nỗi lo sợ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đe dọa xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu mỗi khi mưa lớn kéo dài.

ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) hiến kế các giải pháp hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu

ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) hiến kế các giải pháp hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn còn tiếp tục diễn biến bất thường, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị, Chính phủ cần phải tiếp tục có những giải pháp toàn diện, quyết liệt hơn nữa để cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai; tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí xây dựng các bản đồ nguy cơ sạt lở chi tiết hơn nữa đến tận thôn, bản. Sau khi hoàn thành các bản đồ cảnh báo, cần lắp đặt hệ thống trạm quan trắc cố định tại những điểm có nguy cơ cao. Đồng thời, các trạm quan trắc di động cần được triển khai đến những khu vực có dự báo mưa bão lớn để thu thập dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và phương án ứng phó phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực, bố trí kinh phí cho các địa phương thuộc vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, lũ quét để trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái, phòng chống thiên tai.

Đánh giá, rà soát lại các chính sách trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Cho ý kiến vào việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) kiến nghị Quốc hội xem xét, cho chủ trương rà soát tổng thể các chương trình mục tiêu quốc gia; sắp xếp lại chính sách, tránh trùng lặp mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình để bảo đảm tính đồng bộ, giảm đầu mối, dễ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho tỉnh Hà Giang, bảo đảm đủ nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Lý Thị Lan cho ý kiến về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Lý Thị Lan cho ý kiến về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng cử tri Hà Giang đến với nghị trường, đại biểu Lý Thị Lan cho biết: Cử tri Hà Giang mong muốn Chính phủ cho phép tỉnh Hà Giang được hưởng cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Giang tại các văn bản số 741/UBND-KTTH về việc đề nghị tháo gỡ khó khăn về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; văn bản số 2983/UBND-KTTH của UBND tỉnh Hà Giang, về việc cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường bộ theo các Nghị quyết của Quốc hội.

 ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) đóng góp ý kiến

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) đóng góp ý kiến

Liên quan đến thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024, có ý kiến cho rằng, đối với những địa phương đã thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên (ngoài số tiết kiệm 10% để thực hiện cải cách tiền lương) ngay từ đầu năm 2024, không nên tiếp tục thực hiện tiết kiệm thêm 5% dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 7.8.2024 của Chính phủ. Bởi, nếu tiếp tục thực hiện tiết kiệm thêm 5% dự toán chi thường xuyên, thì dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị chỉ còn lại 75% sẽ không bảo đảm kinh phí duy trì các hoạt động thường xuyên và nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện tiết kiệm dự toán chi thường xuyên năm 2024 và tình hình phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên của các địa phương…

Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-giai-phap-can-co-de-chu-dong-truoc-thien-tai-post394449.html
Zalo