Cần gì để khởi động lại điện hạt nhân?

Thường trực Chính phủ vừa giao Bộ Công thương nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học & kỹ thuật hạt nhân cho biết, vấn đề an toàn hạt nhân vẫn luôn làm nhiều người dân băn khoăn lo ngại.

Tuy nhiên, sự thật các phân tích khoa học cho thấy, điện hạt nhân rất an toàn so với nhiều dạng năng lượng điện khác…

TS Võ Văn Thuận.

TS Võ Văn Thuận.

Tạm dừng vì lý do tài chính

Năm 2010, quy hoạch phát triển điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã được phê duyệt, nhưng năm 2016, Quốc hội quyết định dừng dự án này. Trước khi dừng, dự án đã được triển khai đến đâu, thưa ông?

Chương trình điện hạt nhân trước năm 2016 rất rõ ràng. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận mở đầu cho một chương trình liên tục dài hạn. Trong đó, điện hạt nhân là một thành phần trong công suất nền, cùng với nhiệt điện và thủy điện.

Về vấn đề chất thải phóng xạ cao, hiện Pháp và một số quốc gia đã có kinh nghiệm tái chế, giúp tỷ lệ chất thải phóng xạ cao còn lại sau tái chế chỉ chiếm 5-10% trọng lượng. Việc chôn cất chúng vĩnh viễn sẽ không chiếm nhiều không gian.

Tương lai còn tốt hơn, vì hiện các công nghệ máy gia tốc chùm hạt đang được thử nghiệm để biến đổi chất thải phóng xạ mạnh dài hàng nghìn năm trở thành những chất phóng xạ ngắn hạn.

TS Võ Văn Thuận

Đến năm 2015, đã có hai dự án thành phần tại hai địa điểm đều ở Ninh Thuận hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi với sự hợp tác của hai đối tác là Liên bang Nga và Nhật Bản.

Gần 500 sinh viên được tuyển chọn đào tạo tại Nga và Pháp. Hàng trăm chuyên gia cũng được thực tập trao đổi tại Nhật Bản, Nga và một số nước khác, hứa hẹn đáp ứng đủ lực lượng nòng cốt để vận hành hai nhà máy đầu tiên.

Báo cáo nghiên cứu khả thi của hai dự án thành phần được trình Chính phủ phê duyệt.

Hai địa điểm đều được đánh giá tốt, an toàn. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt yêu cầu. Báo cáo nghiên cứu khả thi đề xuất lựa chọn những công nghệ điện hạt nhân thế hệ 3+ tiên tiến nhất, đảm bảo an toàn nhất, có thể loại bỏ hoàn toàn các sự cố gây phát thải môi trường.

Nếu báo cáo nghiên cứu khả thi được thông qua thì sau năm 2016 chúng ta sẽ xúc tiến lựa chọn nhà thầu để triển khai xây dựng, dự kiến có thể đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành năm 2028.

Ngoài hai địa điểm ở Ninh Thuận, tại các tỉnh miền Trung còn có 6 địa điểm khác được đưa vào quy hoạch dài hạn.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (đầu năm 2016 - trước khi ngừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận), dự báo đến 2030, điện hạt nhân chiếm khoảng 6%.

Đến năm 2050, lên đến 20-25% tổng sản lượng điện để thay thế cho các nguồn nhiệt điện công suất nền chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (than, điện khí, khí hóa lỏng...).

Vậy, những khó khăn dẫn đến việc gác lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận là gì?

Phải thừa nhận, điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án thách thức lớn vì lần đầu tiên Việt Nam triển khai một loại công nghệ phức tạp và "đáng lo ngại" đối với nhiều người.

Thực tế, nó không dễ chiếm được lòng tin của công chúng. Vì vậy, sự quan ngại về mặt an toàn luôn là cản trở với dự án.

Tuy nhiên, việc dừng dự án ở thời điểm sau khi đã triển khai được nhiều việc trước khi ký hợp đồng chọn nhà thầu xây dựng là khá bất thường. Bởi nguyên nhân được nhắc đến không phải trực tiếp vấn đề an toàn hạt nhân, mà là vấn đề tài chính.

So với dự kiến ban đầu, đơn giá mới tăng cao do yêu cầu lựa chọn công nghệ hiện đại nhất, nhằm ưu tiên đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, điều đó dẫn đến tăng tổng vốn đầu tư và lo ngại tăng nợ công, trong khi các ngành kinh tế đều có nhu cầu vốn lớn, nhất là xây dựng hạ tầng.

Song, nếu không thể tái khôi phục dự án để tiếp tục thực hiện sau khi điều kiện khách quan cho phép, việc dừng lâu dài hoặc hủy bỏ dự án sẽ gây lãng phí lớn, trong đó gồm những chi phí tài chính hữu hình và cả những giá trị vô hình không dễ đo đếm. Vì vậy, quyết định năm 2016 được hiểu là tạm dừng dự án.

Không có điện hạt nhân, khó thực hiện Net Zero

Theo ông, tình hình hiện nay có gì khác trước và những thách thức là gì?

Hiện nay đã có nhiều thay đổi, vai trò của điện hạt nhân trên thế giới đã được khẳng định, củng cố mạnh mẽ. Hội nghị Thượng đỉnh COP28 (2023) chính thức công nhận điện hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch không phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, tất cả 62 nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng mới trên toàn cầu phần lớn thuộc các nước đang phát triển (ảnh minh họa).

Hiện nay, tất cả 62 nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng mới trên toàn cầu phần lớn thuộc các nước đang phát triển (ảnh minh họa).

Ở Việt Nam, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời và gió) tăng quá nhanh cũng bộc lộ nhiều rủi ro.

Như vậy, các dự án nguồn điện cho cả công suất nền và công suất đỉnh đều khó có thể đáp ứng được nhu cầu điện cho đến năm 2030 như Quy hoạch điện VIII hiện đang kỳ vọng. Nguy cơ này là quá rõ.

Mặt khác, do Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, cùng với thành công phát triển hợp tác song phương và đa phương trong thời gian qua đã giúp các cơ quan quản lý tự tin hơn vào khả năng đầu tư vốn cho các dự án lớn có hiệu quả.

Những điều đó hé mở thời điểm có thể tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Dẫu vậy, đây vẫn là một thách thức rất lớn.

Cần ý chí quyết tâm cao

Vậy, Việt Nam cần làm gì để khởi động lại điện hạt nhân và chúng ta cần lưu ý khi dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đang được xây dựng, thưa ông?

Để tiếp tục chương trình điện hạt nhân, trước tiên, cần được ghi nhận trong Luật Điện lực sửa đổi sắp tới.

Còn việc thực hiện cần có ý chí quyết tâm từ các cấp cao nhất ra quyết định chính sách để tránh những quyết định có xu hướng chủ quan, cảm tính, thiếu cơ sở khoa học - kinh tế.

Ví dụ, cách đây 8 năm đã có chuyên gia quốc tế nghiên cứu năng lượng nhiệt hạch khuyến cáo Chính phủ từ bỏ dự án Ninh Thuận để tiến thẳng lên nhà máy điện hạt nhân nhiệt hạch, vì đó mới thật sự là điện hạt nhân sạch và an toàn của tương lai.

Sự thật cho đến nay, dự án quốc tế ITER đặt tại Pháp thử nghiệm điện hạt nhân nhiệt hạch quy mô pilot vẫn bị đình trệ liên tục. Những kiểu tư vấn thiếu thực tế như trên đã làm phân tâm không ít các nhà hoạch định chính sách vào thời điểm bấy giờ.

Vì vậy, chúng ta nên thành lập tổ công tác Chính phủ có thành phần nòng cốt là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) và ngành kinh tế năng lượng (Bộ Công thương). Đồng thời, khởi động lại các chương trình đào tạo đã có sẵn từ trước.

Bộ Công thương kiến nghị xem xét phát triển lò phản ứng hạt nhân mô đun nhỏ (SMR), nhà máy điện hạt nhân nổi. Quan điểm của ông thế nào?

Nếu xét theo công suất nền khi tỷ lệ điện than phải giảm dần sẽ cần thay bằng điện hạt nhân công suất lớn (các lò phản ứng lớn thế hệ 3+). Còn xét trên phụ tải đỉnh song song với việc tăng nguồn điện năng lượng tái tạo, có thể kết hợp điện hạt nhân công suất nhỏ (các mô đun thế hệ 4).

Mô đun thế hệ 4 hiện đang được nghiên cứu phát triển và bắt đầu thương mại hóa. Dù được kỳ vọng là an toàn, xây lắp nhanh, nhưng quá trình thương mại hóa sẽ mất nhiều năm cho đến khi đáp ứng độ tin cậy đủ thuyết phục công chúng.

Còn với nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam, chúng ta cần một số dự án công suất nền đủ lớn mới đáp ứng được an ninh năng lượng quốc gia.

Báo cáo khả thi của cả hai dự án thành phần tại Ninh Thuận đều kiến nghị lựa chọn các công nghệ 3+ công suất rất lớn, mỗi lò hơn 1.000 MW điện so với lò mô đun thế hệ 4 chỉ khoảng 100 MW.

Điện hạt nhân công suất nền có mật độ năng lượng cao kỷ lục, phù hợp với chế độ quản lý vận hành tập trung để đảm bảo an toàn nghiêm ngặt, so với con số hàng chục nhà máy mô đun nhỏ phải bố trí dàn trải ở nhiều địa điểm.

Tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới hiện nay ra sao, thưa ông?

Hiện nay, tất cả 62 nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng mới trên toàn cầu đều là các tổ máy lớn thế hệ 3 và 3+ (tổng công suất khoảng 65.000 MW) và phần lớn là ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Bangladesh...

Tại Việt Nam, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết với COP28, một chương trình năng lượng toàn diện còn phải có thêm các biện pháp che phủ rừng, đổi mới nhiên liệu sạch trong giao thông vận tải và đổi mới công nghệ sạch các dây chuyền công nghiệp nặng (luyện thép, xi măng, phân bón...).

Khuếch đại quá mức bởi lo lắng tâm lý

Như ông nói, sự quan ngại về mặt an toàn luôn cản trở dự án điện hạt nhân. Vậy, lần tái khởi động này, để tạo được sự đồng thuận, chúng ta cần phải làm gì?

Lo ngại "không an toàn" ở dự án điện hạt nhân có hai vấn đề chính. Đó là tai nạn lớn phát thải phóng xạ ra môi trường và vấn đề chất thải phóng xạ trường tồn hàng ngàn năm.

Ở các nước phát triển đã có truyền thống chú trọng phát triển điện hạt nhân, đa số người dân ủng hộ tích cực và có thái độ duy lý để hiểu đúng vấn đề an toàn hạt nhân.

Còn ở một số nước có tình huống đặc biệt như Nhật Bản, sau vụ tai nạn Fukushima 2011, người dân đòi hỏi ráo riết về việc nâng cấp an toàn để không lặp lại tai nạn phát tán phóng xạ ra môi trường, đến nay cũng đã đạt được đồng thuận, cho phép nhiều nhà máy tái vận hành.

Riêng ở Đức đã đóng cửa các lò phản ứng, nhưng quyết định loại trừ điện hạt nhân vẫn là đề tài tranh luận gay gắt giữa các đảng phái, do thách thức về an ninh năng lượng và yêu cầu giảm phát thải theo COP28 mà Đức cam kết.

Như vậy, Việt Nam không nằm ngoài tình hình chung. Vấn đề an toàn hạt nhân vẫn luôn làm nhiều người dân băn khoăn lo ngại.

Tuy nhiên, sự thật các phân tích khoa học cho thấy, điện hạt nhân rất an toàn so với nhiều dạng năng lượng điện khác, hoặc so với các tác động khác lên con người như tai nạn từ nhiệt điện, từ nhiễm bệnh do hút thuốc…

Điều này có thể thấy, tuy vấn đề e ngại an toàn hạt nhân luôn cần được chú trọng giải quyết, nhưng nó cũng bị khuếch đại quá mức bởi lo lắng tâm lý.

Một điểm khác, Việt Nam đã gia nhập các công ước quốc tế để phối hợp giúp công tác chuẩn bị về luật pháp, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật phải đạt yêu cầu chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng tốt về an toàn hạt nhân.

Ngoài ra, điều kiện tự nhiên của nước ta có nhiều địa điểm trên nền đá vững chắc ven biển, cách xa vành đai núi lửa gây động đất, sóng thần - vốn là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tai nạn phát tán phóng xạ.

Cảm ơn ông!

Theo Bộ Công thương, hiện có 32 quốc gia trên thế giới sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện, tạo ra khoảng 9,1% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Nguồn năng lượng hạt nhân được phát triển chủ yếu tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Hoa Kỳ là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất, trong khi Pháp có thị phần điện năng được tạo ra từ năng lượng hạt nhân lớn nhất.

Dự báo của cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), đến năm 2050 tổng công suất của điện hạt nhân thế giới sẽ tăng lên từ 1,5 đến 2,5 lần so với hiện tại.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-gi-de-khoi-dong-lai-dien-hat-nhan-192241003223612581.htm
Zalo