Cần gấp rút hoàn thiện chính sách cho kinh tế xanh

Khoảng 6 năm trở lại đây, kinh tế xanh được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo liên quan đến phát triển kinh tế. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đều hưởng ứng bằng cách ban hành những quy định, chính sách yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi để tham gia vào kinh tế xanh. Trong đó, từng ngành, lĩnh vực cũng lên phương án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải, tăng năng suất, chất lượng… hướng đến phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực tế, nhiều nước phát triển trên thế giới đã tham gia vào kinh tế xanh từ 10-15 năm trước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản... Vì thế, các nước đặt ra hàng rào kỹ thuật là hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí về sản xuất xanh. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường trên cũng buộc phải thực hiện sản xuất xanh. Trong cuộc đua mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp, quốc gia nào đi trước trong chuyển đổi xanh sẽ dễ dàng chiếm được ưu thế. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các nhãn hàng quốc tế.

Tại Việt Nam, tuy Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách quy định, khuyến khích phát triển kinh tế xanh nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của nhiều doanh nghiệp. Đơn cử như lĩnh vực năng lượng tái tạo, rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào điện mặt trời áp mái nhà, điện gió, điện rác để sử dụng và bán lại cho những doanh nghiệp khác để đảm bảo lộ trình tham gia vào sản xuất xanh. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, hầu hết các dự án điện trên đều bị “ách” lại do vướng các quy định. Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ xanh cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện còn chậm, chưa công bố rõ ràng những tiêu chí, đơn vị được quyền thẩm định, cấp giấy chứng nhận…

Đồng Nai hiện xuất khẩu hàng hóa sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến của tỉnh trong những năm tới là tiếp tục mở rộng phát triển công nghiệp, xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh đang chạy đua trong sản xuất xanh, giảm phát thải để tăng xuất khẩu, bởi hơn 70% sản phẩm công nghiệp sản xuất ra dành cho xuất khẩu. Muốn phát triển công nghiệp thì phải tăng thị phần xuất khẩu qua các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam muốn tham gia nhanh vào kinh tế xanh thì phải sớm ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp, đơn vị biết và thực hiện.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/can-gap-rut-hoan-thien-chinh-sach-cho-kinh-te-xanh-5fc0b92/
Zalo