Cần đổi mới việc bảo trì đường bộ

Việc bảo trì đường bộ đã đạt được nhiều kết quả nhưng chưa được như kỳ vọng: Nguồn vốn bảo trì hằng năm mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhưng vẫn giải ngân chậm, mỗi năm có hàng nghìn đầu mục bảo trì đường bộ, công trình 1 tỷ đồng nhưng cũng phải làm thủ tục như công trình 100 tỷ đồng... Vì vậy, cần đổi mới mạnh mẽ công tác bảo trì đường bộ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn.

Thi công dự án bảo trì đường bộ. Ảnh: ST

Thi công dự án bảo trì đường bộ. Ảnh: ST

6 tháng, giải ngân mới đạt 28%, nhiều địa phương giải ngân dưới 10%

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2024, Cục Đường bộ được giao 11.500 tỷ đồng dự toán chi cho công tác bảo trì đường bộ. Hết tháng 6/2024, các đơn vị mới giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch, tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu. Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15%, gồm: Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tây Ninh 3,7%, Sở GTVT Vĩnh Phúc 5,28%, Sở GTVT Nam Định 8,1%, Sở GTVT Khánh Hòa 8,5%, Sở GTVT Quảng Ninh 10%, Sở GTVT Hòa Bình 12%, Sở GTVT Kiên Giang 13%, Khu Quản lý đường bộ II 13%, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu 13%, Sở GTVT Quảng Ngãi 14,1%. Bên cạnh đó, một số đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng thi công rất chậm, còn 70/147 công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa triển khai thi công. Trong đó, Khu Quản lý đường bộ 4 còn 15/84 công trình, Sở GTVT Hòa Bình còn 8/15 công trình, Vĩnh Phúc còn 3/3, Cao Bằng còn 5/15, Quảng Ngãi 10/10 công trình.

Nguyên nhân chủ quan là do chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu, xây dựng kế hoạch nhiều danh mục dẫn đến khối lượng công việc phải thực hiện nhiều; một số đơn vị còn thụ động, chưa tích cực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm còn nêu vấn đề, mỗi năm có 1.500-1.600 đầu mục bảo trì đường bộ là quá nhiều. Hơn nữa, công trình 1 tỷ đồng nhưng cũng phải làm thủ tục như công trình 100 tỷ đồng sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, cần thay đổi, cần thu gọn lại, giảm bớt đầu mục dự án, lập gói thầu lớn để thu hút doanh nghiệp có năng lực tham gia.

Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, nguồn vốn bảo trì đường bộ hằng năm mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhưng lại “tiêu” không hết. Làm thế nào để “tiêu” đúng lúc, đúng chỗ và phải “tiêu” hết trong năm tài khóa là vấn đề cần giải quyết ngay.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy nhanh giải ngân kinh phí bảo trì đường bộ

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí bảo trì đường bộ trong những tháng cuối năm, Cục Đường bộ đã yêu cầu các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT, ban quản lý dự án khẩn trương lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, kịp thời báo cáo các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, rà soát, đăng ký lại kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân 100% vốn được giao trong 6 tháng cuối năm. Về dài hạn, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới công tác quản lý nhà nước.

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ chấn chỉnh nghiêm các đơn vị trực thuộc là các khu quản lý đường bộ, các ban quản lý dự án chậm giải ngân; nếu các sở GTVT vẫn tiếp tục chậm giải ngân sẽ thu hồi ủy thác quản lý quốc lộ. Ngay trong tháng 7, Cục Đường bộ sẽ phê duyệt kế hoạch và kiểm điểm tiến độ giải ngân của các đơn vị theo từng tháng, đến cuối năm, nếu đơn vị thực hiện không đạt như cam kết sẽ xử lý về công tác cán bộ.

Đối với vấn đề mỗi năm có đến 1.500-1.600 đầu mục bảo trì đường bộ và công trình dưới 1 tỷ đồng nhưng cũng phải làm thủ tục như công trình 100 tỷ đồng mất nhiều thời gian, ông Bùi Quang Thái cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam đang kiến nghị Bộ GTVT, với các dự án chuẩn bị đầu tư toàn bộ theo nhu cầu nhưng đến cuối năm không bố trí được vốn thì các dự án này sẽ được ưu tiên ở năm tiếp theo. Cục Đường bộ sẽ rà soát để gom tối đa các danh mục, đảm bảo ít số lượng dự án nhất, giảm bớt thủ tục. Trên cơ sở danh mục và tổng số nguồn vốn đã được phê duyệt, để tăng tính chủ động, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT phân cấp, ủy quyền để đơn vị này linh hoạt điều chỉnh các danh mục dự án bảo trì, các nhiệm vụ đã được phê duyệt, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn vốn.

Về bảo dưỡng thường xuyên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Cục Đường bộ nghiên cứu, đánh giá lại hợp đồng theo chất lượng thực hiện (PBC). Cùng với đó, nghiên cứu, hoàn thiện văn bản pháp luật theo hướng hợp đồng có thể ký 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Sau 5 năm nếu nhà thầu làm tốt có thể tiếp tục gia hạn, không phải đấu thầu, chọn lại nhà thầu.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ đổi mới công tác quản lý kết cầu hạ tầng đường bộ, bắt đầu bằng việc xây dựng hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện. Theo đó, phải xây dựng được nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ, trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ công tác bảo trì đường bộ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn./.

ĐỨC MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/can-doi-moi-viec-bao-tri-duong-bo-33596.html
Zalo