Cần đổi mới tiêu chí và phương pháp đánh giá Chỉ số PAPI

Tại Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024 (do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức sáng 15-4, tại Hà Nội), một số đại biểu đã chia sẻ quan điểm, nhận định về Chỉ số PAPI.

PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Cần có tiêu chí, cách thức điều tra phù hợp bối cảnh mới

Việt Nam đang quyết tâm thực hiện tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục điểm nghẽn của điểm nghẽn, đó là thể chế, đó là bỏ cấp huyện, loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới chính quyền gần hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền.

Chỉ số PAPI có vai trò như một tấm gương phản chiếu hoạt động của chính quyền, vì vậy, UNDP tại Việt Nam cần nghiên cứu, thay đổi, bổ sung nội dung tiêu chí và cách thức điều tra cho phù hợp với bối cảnh mới. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đối tác chiến lược của UNDP, luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành, phối hợp chặt chẽ với UNDP, các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, đổi mới PAPI trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP):
Tín hiệu vui khi không còn “Tư duy nhiệm kỳ”

Nhìn vào kết quả Chỉ số PAPI 16 năm qua, có thể thấy, 10 năm đầu tiên còn có “tư duy nhiệm kỳ”, tức là đầu và giữa nhiệm kỳ điểm cao lên, còn cuối nhiệm kỳ điểm thấp xuống, thì đến năm 2024 - năm thứ tư của nhiệm kỳ 2020-2025, ở hầu hết các địa phương, sự dịch chuyển đều theo chiều hướng tiến lên.

Các địa phương đã và đang làm tốt rồi cần tiếp tục làm tốt hơn. Một điều nữa chúng tôi mong đợi là giai đoạn năm 2025 chuyển sang 2026 vẫn được tiến hành khảo sát Chỉ số PAPI, qua đó nắm bắt được phản ánh của công dân sau khi các địa phương sáp nhập.

Hiện đã có những thành phố làm rất tốt cho thủ phủ của địa phương mình, tuy nhiên, vẫn có những địa phương còn hạn chế; sắp tới, có địa phương làm chưa tốt nhưng lại được chọn để đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh sau sáp nhập. Vì vậy, chúng tôi rất chờ đợi kết quả khảo sát từ ngày 1-9 đến cuối năm 2025 xem người dân trải nghiệm thế nào đối với các dịch vụ công ở địa phương, đặc biệt là khi không còn cấp huyện.

Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):
Mong thống nhất bộ công cụ và phương pháp đánh giá

Thời gian qua, Bộ Y tế và các địa phương rất tích cực cải thiện chất lượng dịch vụ công. Bộ Y tế đã triển khai việc khảo sát sự hài lòng của người bệnh trên phạm vi toàn quốc (gồm 34 câu hỏi, đánh giá rất toàn diện trên nhiều phương diện, từ cơ sở vật chất, thiết bị, mức độ thuận tiện, thời gian chờ đợi, thái độ của nhân viên y tế, năng lực, kết quả chuyên môn…) thì người dân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có những đánh giá tích cực. Ngoài ra, kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện trên phạm vi toàn quốc cũng như kết quả giám sát cải tiến chất lượng cũng cho thấy các bệnh viện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều rất tích cực cải tiến chất lượng. Nhiều bệnh viện đã trở thành hình mẫu về cải tiến chất lượng. Tuy nhiên, kết quả Chỉ số PAPI năm 2024 vừa công bố cho thấy người dân còn đánh giá thấp ở lĩnh vực này.

Tôi mong rằng, năm 2025, nhóm nghiên cứu PAPI sẽ phối hợp với Bộ Y tế để cùng thống nhất bộ công cụ và phương pháp đánh giá để có những kết quả phản ánh đúng thực tế.

Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-doi-moi-tieu-chi-va-phuong-phap-danh-gia-chi-so-papi-699043.html
Zalo