Cần đẩy mạnh quyền được lắng nghe và tham gia các hoạt động xã hội của trẻ em

Việc thúc đẩy quyền được lắng nghe và tham gia các hoạt động xã hội của trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng của các tổ chức xã hội. Bằng việc đưa ra cam kết sẽ không ngừng nỗ lực để xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh, trẻ em sẽ ngày càng có cơ hội được tự do phát triển và thể hiện khả năng của mình.

Mới đây (12/11), tại Tọa đàm “Chung tay phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em”, các đại diện của các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em đã tập trung thảo luận kế hoạch chiến lược tiếp theo trong việc huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ, các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em trên các không gian như gia đình, nhà trường và mạng xã hội.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Tạo môi trường tích cực khuyến khích sự tham gia của trẻ em

Bà Trịnh Hiền Trân - đại diện Thành đoàn Hội đồng đội TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc do Sở Giáo dục và Đào tạo đề ra, Hội đồng đội đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo ra một môi trường học tập lý tưởng cho các em học sinh, nơi các em học sinh luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

“Nhờ những hoạt động thiết thực của Hội đồng đội, mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc đã ngày càng đến gần hơn. Các em học sinh, đội viên thiếu nhi đã có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động bổ ích, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần”, bà Trịnh Hiền Trân nói.

Bên cạnh đó, một trong các nội dung Hội đã thực hiện trong thời gian vừa qua là tổ chức các buổi tập huấn, diễn đàn, chương trình để lắng nghe tiếng nói của các em thiếu nhi. Đồng thời, xây dựng những chương trình hỗ trợ phụ huynh và học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng về quyền của trẻ em để tự tin tham gia vào các hoạt động cộng đồng.

Việc tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho trẻ em là một hành trình dài. Dự kiến, sau tọa đàm, Hội sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các hoạt động để tạo môi trường lành mạnh an toàn cho trẻ em không chỉ trong trường học mà còn trên môi trường mạng, gia đình,..

"Những ý tưởng và kết quả đạt được từ buổi tọa đàm sẽ là nền tảng vững chắc để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và triển khai một cách hiệu quả các hoạt động nhằm mang đến cho các em một môi trường sống an toàn và lành mạnh”, bà Trịnh Hiền Trân cho biết.

Cũng tại tọa đàm, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nhấn mạnh rằng, để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt trẻ em yếu thế thì chúng ta cần tạo ra một môi trường bao bọc, yêu thương, nơi mà trẻ em được lắng nghe và tôn trọng. Môi trường đó bao gồm gia đình, nhà trường và cộng đồng. Do đó, chúng ta phải có những khóa trao đổi kinh nghiệm chia sẻ cho người lớn kỹ năng lắng nghe trẻ.

Ông Tạ Ngọc Trí đã chỉ ra một quan niệm sai lầm phổ biến trong xã hội hiện nay, đó là cha mẹ thường có suy nghĩ là mình có quyền làm bất cứ điều gì với con cái mình. Ông cho rằng, cha mẹ cần thay đổi cách nhìn nhận về trẻ em. Trẻ em không chỉ là đối tượng thụ động và phụ thuộc mà còn là những cá nhân có quyền được tham gia, đóng góp ý kiến và đưa ra quyết định.

Ngoài ra, việc bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn của cả xã hội. Trong nhà trường, các thầy cô giáo cần hiểu rằng, mỗi học sinh đều có những cá tính riêng biệt và có quyền được thể hiện bản thân. Vì vậy, thầy cô cần lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn.

“Các em phải được tôn trọng và được đối xử công bằng. Việc lắng nghe trẻ là điều cần thiết để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em và từ đó có những hành động phù hợp để bảo vệ và chăm sóc các em”, ông Tạ Ngọc Trí khẳng định.

Trẻ em khuyết tật đã có cơ hội chia sẻ tâm tư, nguyện vọng

Bà Đàm Việt Hà - Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho biết, trẻ khuyết tật thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bày tỏ ý kiến và tiếp cận các cơ hội học tập so với trẻ em bình thường. Mỗi nhóm trẻ khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ) đều có những đặc điểm và nhu cầu khác nhau, đòi hỏi khi xây dựng các hoạt động dự án phải có những chương trình hỗ trợ phù hợp.

Việc thiết kế các hoạt động cho trẻ khuyết tật hiện nay đã linh hoạt và đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm trẻ. Các em được học tập, thảo luận và tạo ra các sản phẩm truyền thông độc đáo về quyền của mình, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của các em. Nhờ từng bước cung cấp kiến thức hỗ trợ này, trẻ khuyết tật đã tự tin hơn trong việc bày tỏ ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè cùng trang lứa. Điều này không chỉ giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp, học hỏi mà còn tạo ra một cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa cha mẹ, thầy cô giáo và các tổ chức xã hội đã tạo ra một môi trường thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện. Việc cùng nhau học hỏi, chia sẻ và cam kết hành động giúp các bên hiểu rõ hơn về quyền của trẻ em và tầm quan trọng của việc xây dựng một xã hội bình đẳng, nơi trẻ khuyết tật có cơ hội phát triển.

"Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thảo dành riêng cho trẻ khuyết tật; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về giáo dục, y tế, xã hội cho các em; tổ chức các buổi tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho phụ huynh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền của trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật”, bà Đàm Việt Hà nhắn nhủ.

Xây dựng chính sách phù hợp để tiếng nói của trẻ em yếu thế được lắng nghe

Bà Lê Thị Thùy Dương - Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) cho biết, không chỉ đối tượng trẻ khuyết tật gặp nhiều khó khăn mà trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em di cư trong các khu công nghiệp cũng đang thiếu cơ hội để lên tiếng. Các em đều phải đối mặt với các điều kiện giáo dục, y tế,.. còn hạn chế, gặp khó khăn trong việc bày tỏ ý kiến của mình so với các bạn đồng trang lứa. Do đó, bà kêu gọi, cần có những hành động cụ thể để đảm bảo rằng tất cả trẻ em, bất kể hoàn cảnh nào đều có cơ hội được lắng nghe và chia sẻ ý kiến. Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được sống trong một môi trường tràn đầy yêu thương và hạnh phúc.

"Để tạo ra một xã hội công bằng, chúng ta cần có những chính sách cụ thể nhằm giúp trẻ em từ các nhóm yếu thế có thể tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của mình”, bà Lê Thị Thùy Dương nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Thùy Dương, trong giai đoạn 2025-2027, với tầm nhìn hướng tới năm 2030, Tổ chức Cứu trợ trẻ em sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để mang đến cho trẻ em Việt Nam một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác là yếu tố quan trọng giúp đạt được những thành công như ngày hôm nay, có thể thấy bằng sự chung tay của tất cả, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em.

Bà Nguyễn Thu Hà - Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, với sứ mệnh bảo vệ quyền lợi trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam luôn nỗ lực làm cầu nối để tiếng nói của trẻ em được lắng nghe và phản ánh đến các cơ quan nhà nước.

Bà Nguyễn Thu Hà cho biết, trong thời gian qua, thông qua các diễn đàn, hội thảo, Hội đã tích cực thu thập ý kiến của trẻ em đưa ra những đề xuất thiết thực để hoàn thiện các chính sách liên quan, tạo điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến một cách tự do và thẳng thắn. Việc thu thập ý kiến của trẻ em thông qua các dự án giúp Hội có thêm nhiều thông tin quý báu để xây dựng các đề xuất gửi đến cơ quan nhà nước, từ đó tiếng nói của các em ngày càng được các cơ quan nhà nước quan tâm và lắng nghe.

"Việc thu thập ý kiến của trẻ em một cách trực tiếp và thường xuyên đã giúp Hội nâng cao chất lượng các hoạt động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của trẻ em. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy sự phát triển của trẻ em", bà nói.

Đặc biệt, bên cạnh các tổ chức xã hội, gia đình chính là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành nhân cách cho trẻ. Việc ứng dụng kỷ luật tích cực trong gia đình sẽ góp phần lớn vào sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, việc nâng cao năng lực của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái là điều vô cùng cần thiết.

Với mục tiêu sẽ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cha mẹ, giúp cha mẹ trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng kỷ luật tích cực trong việc nuôi dạy con, trong tương lai Hội sẽ đẩy mạnh việc triển khai các chương trình đào tạo và tư vấn cho cha mẹ, nhằm mục tiêu tạo ra một môi trường gia đình lành mạnh, nơi trẻ em được tôn trọng và phát triển.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/can-day-manh-quyen-duoc-lang-nghe-va-tham-gia-cac-hoat-dong-xa-hoi-cua-tre-em-d5626.html
Zalo