Cần đầu tư gần 120 nghìn tỉ đồng để phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2026-2030
Về nguồn lực thực hiện (Điều 4), Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030, cần nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn. Cụ thể, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỉ đồng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định lộ trình giai đoạn 2026 - 2030...

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 22/5. Ảnh: VPQH cung cấp.
Sáng 22/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Bảo đảm trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư bảo đảm các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo; bảo đảm trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Nghị quyết áp dụng đối với người học là trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết các vấn đề, đó là hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030. Việc phổ cập được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm các điều kiện phổ cập theo quy định. Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết. Các nội dung cần được quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách, gồm: đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu; bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định; bảo đảm đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên cấp học mầm non…
Tổng dự toán kinh phí giai đoạn 2026-2030 là gần 120 nghìn tỉ đồng
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.... Ủy ban nhấn mạnh, đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.
Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát đối tượng thụ hưởng của dự thảo Nghị quyết, tránh trùng lặp với đối tượng đã được pháp luật quy định để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư.
Về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện (Điều 3), Ủy ban tán thành giao Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ quy định về đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu để tránh trùng lặp với các chương trình, đề án đang triển khai.
Về nguồn lực thực hiện (Điều 4), Ủy ban cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030, cần nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Cụ thể, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỉ đồng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định lộ trình giai đoạn 2026 - 2030. Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nêu quan điểm lựa chọn phương án đề xuất để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về đội ngũ giáo viên, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét, quyết định. Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để giảm bớt áp lực về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất từ ngân sách nhà nước…