Căn cứ để cán bộ, đảng viên tự giác rèn luyện, tự soi, tự sửa

Cán bộ, đảng viên tại tỉnh Tiền Giang phấn khởi, đồng lòng quyết tâm thực hiện nghiêm túc

Quy định 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (gọi tắt là Quy định 144). Việc ban hành Quy định 144 là cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng.

Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định 144 tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

* ĐỒNG CHÍ TRẦN THỊ KIM CÚC, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY TIỀN GIANG: Quy định 144 phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Đây là lần đầu tiên Trung ương ban hành quy định cụ thể và có nhiều điểm mới về chuẩn mực đạo đức chung dành cho cán bộ, đảng viên mà Trung ương Đảng đã đề ra để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Đảng. Việc ban hành Quy định 144 trong giai đoạn hiện nay là rất phù hợp và cần thiết, thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng thông qua việc bồi dưỡng và xây dựng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Trần Thị Kim Cúc.

Xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng không chỉ là căn cứ để cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự điều chỉnh nhận thức và hành vi ứng xử trong công việc và cuộc sống hằng ngày, mà còn là cơ sở cho việc giáo dục đạo đức cách mạng, thể hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới; đặc biệt là trong bối cảnh Đảng ta đang chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Sau hội nghị này, các cấp ủy cần triển khai sớm kế hoạch thực hiện cho đến tận cán bộ, đảng viên và phải có chương để cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu. Điều quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, tự giữ mình; làm thế nào thể hiện tinh thần được quán triệt tốt Quy định 144. Trong công tác, trong cuộc sống, tấm gương của những cán bộ, đảng viên ngày càng tỏa sáng; giữ vừng niềm tin của nhân dân với Đảng để Quy định 144 thực sự đi vào cuộc sống.

* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THÀNH LUÂN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ĐOÀN TIỀN GIANG: Đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên

Việc triển khai Quy định 144 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội… Cán bộ Đoàn, Hội là lực lượng kế thừa của Đảng, vì thế cần phải tự rèn luyện và thực hiện tốt các chuẩn mực theo Quy định 144.

Đồng chí Nguyễn Thành Luân (giữa).

Quy định 144 đã nêu rõ tinh thần “6 dám” là: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Có thể nói Quy định 144 là "kim chỉ nam" để mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên cho mọi hành động; không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm chinh phục mọi lĩnh vực, trong nghề nghiệp, trong cuộc sống; dám dấn thân, đương đầu, đối diện với khó khăn, rèn đức, luyện tài, tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn.

Quy định 144 có 5 chuẩn mực quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, từ cán bộ cấp chiến lược, cấp cao đến cán bộ cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc; đồng thời là căn cứ để đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên; là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ các chức vụ tự soi, tự sửa, tự rèn mình. Đây cũng là cơ sở để các cấp Đoàn, Hội trong tỉnh tiếp tục giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho Đoàn Thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mà còn là nhiệm vụ thường xuyên có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lý tưởng hoài bão của đoàn viên, thanh niên.

* ĐỒNG CHÍ TRẦN MINH TRUNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH TIỀN GIANG: Gương mẫu trên mọi lĩnh vực

Được quán triệt Quy định 144 tôi rất tâm đắc với nội dung điều 4 và điều 5, về đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Qua đó, định hướng, áp dụng vào quá trình công tác của bản thân và tại đơn vị. Cụ thể, cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp hoạt động công tác Hội, kiểm tra đánh giá...

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực sự quan trọng khi xu hướng phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của cơ quan. Như vậy, người đứng đầu cơ quan phải có năng lực thực sự, với yêu cầu ngày càng cao về nhiều mặt. Họ phải là người có tầm nhìn, xác định được chiến lược phát triển công tác; đưa mọi hoạt động của cơ quan đi vào kỷ cương, nền nếp, ổn định, đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị.

Đồng chí Trần Minh Trung.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới lãnh đạo phải là người tiên phong trong các mặt công tác. Một lãnh đạo giỏi cần có tầm nhìn chiến lược; có ý thức học hỏi và thích ứng với các xu hướng đổi mới. Tiếp đó, lãnh đạo phải thể hiện được phẩm chất lãnh đạo; có ý thức trách nhiệm về những thành công và thất bại; tìm ra cách thức mới để cải thiện nâng chất lượng hoạt động của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các chi, tổ hội. Điều quan trọng, lãnh đạo là người phải biết lắng nghe, đề cao dân chủ, đồng thời phải có thái độ công bằng nhưng nhất quán, là người đáng tin cậy trong tiếp cận, xử lý các tình huống nảy sinh trong công tác quản lý.

Người lãnh đạo cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phải sáng tạo và phát huy hết năng lực của mình. Đối với Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, muốn đạt được những yêu cầu đổi mới lãnh đạo cơ quan cần làm tốt một số vấn đề sau: Nắm vững Điều lệ Hội; có chiến lược phát triển tổ chức Hội; người lãnh đạo phải thật sự là trung tâm đoàn kết trong toàn hệ thống Hội, gương mẫu trên mọi lĩnh vực, có mối quan hệ tốt với cấp trên và cấp dưới; biết tổ chức, phối hợp với các ngành có liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị mình; quản lý tốt các nguồn kinh phí; đảm bảo tính dân chủ, công bằng trong đơn vị.

LÊ PHƯƠNG

(lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202407/quy-dinh-144-qdtw-cua-bo-chinh-tri-can-cu-de-can-bo-dang-vien-tu-giac-ren-luyen-tu-soi-tu-sua-1015113/
Zalo