Cần công bằng, thống nhất khi miễn học phí và phổ cập giáo dục mầm non

Chiều 22/5, thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội Hải Dương đề xuất nhiều giải pháp nhằm bảo đảm công bằng, thống nhất khi miễn học phí và phổ cập giáo dục mầm non.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá việc xây dựng các nghị quyết của Quốc hội hoàn toàn phù hợp và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thể hiện tính ưu việt của của chế độ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá việc xây dựng các nghị quyết của Quốc hội hoàn toàn phù hợp và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thể hiện tính ưu việt của của chế độ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung góp ý các dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Các đại biểu đều đánh giá việc xây dựng các nghị quyết của Quốc hội hoàn toàn phù hợp và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thể hiện tính ưu việt của của chế độ. Các chính sách đã thể hiện trách nhiệm cam kết của Nhà nước về bảo đảm quyền học tập cho mọi công dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh phổ thông, đồng thời bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và an sinh xã hội.

Để thực hiện tốt các nghị quyết trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng những vấn đề liên quan, các yếu tố tác động, vướng mắc, khó khăn hiện nay như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, khả năng cân đối ngân sách và cần có sự thống nhất giữa các địa phương...

Đại biểu cho biết hiện HĐND nhiều địa phương gặp vướng mắc trong quy trình, hồ sơ xây dựng các nghị quyết áp dụng chính sách đặc thù. Vì vậy cần phải có hướng dẫn rất cụ thể, đặc biệt là về cơ chế tài chính, cách xác định mức bù chi, cách phân bổ ngân sách phù hợp. "Nếu không xác định rõ thì sẽ rất khó khăn cho các địa phương, tác động dài hạn và ảnh hưởng đến tính ổn định, bền vững của chính sách", đại biểu Sơn nêu ý kiến

Cùng với miễn, giảm học phí, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ, đặc biệt là cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét các chính sách đi kèm để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý minh bạch nguồn lực, tránh nguy cơ tạo gánh nặng cho ngân sách.

Đại biểu Sơn cũng cho rằng hiện số lượng cơ sở giáo dục công lập còn thấp so với các cơ sở tư thục. Ở nhiều khu vực có khu công nghiệp, trẻ ở độ tuổi mầm non tăng rất nhanh. Trong khi đó lại thiếu các trường mầm non công lập nên phụ huynh phải gửi con vào các cơ sở tư thục với chi phí cao và chất lượng không đồng đều. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm cân bằng trong hỗ trợ giữa khu vực công lập và tư thục...

Đánh giá việc đầu tư cho giáo dục mầm non cũng còn chưa tương xứng với vai trò là nền tảng của cấp học này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị: "Chính phủ cần xem xét có cơ chế xã hội hóa và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tham gia xây dựng các trường mầm non. Đồng thời có cơ chế sử dụng các trụ sở dôi dư khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để phân bổ cho các cơ sở giáo dục phù hợp, hiệu quả".

Hỗ trợ về học phí chỉ là một phần của bức tranh tổng thể về giáo dục

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị xem xét đồng bộ các cơ chế, chính sách để tiếp tục hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục ngoài công lập. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị xem xét đồng bộ các cơ chế, chính sách để tiếp tục hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục ngoài công lập. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, phương thức chi trả cần có hướng dẫn rất cụ thể của Chính phủ để tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, trục lợi chính sách.

Đại biểu cho rằng việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là cần thiết nhưng cũng cần có khung hướng dẫn thống nhất từ Trung ương để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, nhất là những địa phương có khó khăn về ngân sách.

Đại biểu Nga cũng đề nghị cần có lộ trình triển khai và thứ tự ưu tiên hợp lý để tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách vì nguồn lực thực hiện rất lớn.

Bày tỏ băn khoăn về vấn đề công bằng giữa học sinh trường công lập và ngoài công lập, đại biểu Nga đề nghị quy định rõ nguyên tắc là mức tiền hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập không vượt quá mức học phí được miễn tại các cơ sở giáo dục công lập tương ứng về cấp học và địa bàn.

"Để thực hiện tốt chính sách này Nhà nước cần xây dựng và ban hành mức học phí chuẩn cho từng cấp học, từng năm học để làm căn cứ tính toán mức tiền và mức độ hỗ trợ thống nhất giữa các loại hình trường và giữa các địa phương", đại biểu Nga đề nghị.

Cho rằng chính sách hỗ trợ về học phí chỉ là một phần của bức tranh tổng thể về giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị xem xét đồng bộ các cơ chế, chính sách để tiếp tục hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục ngoài công lập.

“Hiện nay đã có một số các chính sách để hỗ trợ, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều tổ chức, cá nhân thì những chính sách vẫn còn nhỏ giọt và chưa thực sự tạo được đột phá. Vì vậy còn ít tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục ngoài công lập, đại biểu Nga cho biết.

Đối với chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị cần có thêm các giải pháp tổng thể, đặc biệt quan tâm đến chính sách thu hút, giữ chân giáo viên mầm non bằng nhiều giải pháp như là cải thiện thu nhập, giảm áp lực công việc, mở rộng đối tượng đào tạo, có chính sách ưu tiên cho người học ngành giáo dục mầm non...

HOÀNG BIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/can-cong-bang-thong-nhat-khi-mien-hoc-phi-va-pho-cap-giao-duc-mam-non-412204.html
Zalo