Cần có tư duy kiến tạo hỗ trợ các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới.

Sáng 19-2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực tăng trưởng cho kinh tế số Việt Nam”.

Tại đây, các đại biểu đều khẳng định, kinh tế nền tảng là xu thế không thể đảo ngược và đang xuất hiện ở tất cả các ngành từ vận tải, bán lẻ, y tế, giáo dục, ngân hàng, tài chính…

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM, cho biết năm 2022, tổng giá trị tăng thêm của ngành nền tảng đóng góp 40,5 tỉ USD vào GDP của Việt Nam, tương đương 9,92%. Trong đó, nền tảng lĩnh vực vận tải đóng góp 6,8 tỉ USD, chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế.

 Theo CIEM thu nhập của người lao động khu vực nền tảng đang cao hơn 14% mức thu nhập bình quân chung của nền kinh tế. Ảnh: V.LONG

Theo CIEM thu nhập của người lao động khu vực nền tảng đang cao hơn 14% mức thu nhập bình quân chung của nền kinh tế. Ảnh: V.LONG

Thêm vào đó, ngành kinh doanh nền tảng kích thích giá trị tăng thêm thu nhập, cơ hội việc làm cho hàng nghìn người lao động. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp truyền thống đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực nội tại để gia tăng sức cạnh tranh, thích ứng xu thế mới.

Chẳng hạn sự ra đời của Grab đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành vận tải cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác. Theo đó, năm 2022, Grab đóng góp 7,8% về giá trị tăng thêm đối với ngành nền tảng lĩnh vực vận tải; 1,3% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng và 0,13% trong GDP của nền kinh tế.

“Đáng chú ý, Grab đóng góp khoảng 0,23% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của vùng Đồng bằng sông Hồng; 0,17% GRDP của vùng Đông Nam Bộ”- TS Nguyễn Minh Thảo công bố kết quả nghiên cứu.

Để tạo động lực phát triển mạnh dịch vụ kinh doanh nền tảng và kinh tế số, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số, TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới...

“Đặc biệt chúng ta phải có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox). Việc thiết lập sandbox cần thoát khỏi tư duy cũ và cần được ban hành kịp thời để tận dụng các cơ hội về công nghệ. Do đó soạn thảo và phê duyệt sandbox nên được áp dụng theo quy trình đơn giản hóa thay vì thực hiện theo quy trình phức tạp và tốn thời gian như hiện nay…”- TS Nguyễn Minh Thảo nêu.

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện có những nền tảng rất lớn đang thống lĩnh thị trường, chẳng hạn như nền tảng shopee đang chiếm hơn 60% thị phần bán lẻ, như vậy là có khả năng vi phạm luật cạnh tranh.

Việc một doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường sẽ khiến các doanh nghiệp khác khó khăn khi gia nhập thị trường. Bởi lẽ, doanh nghiệp thống lĩnh chỉ cần hạ giá là doanh nghiệp khác “chết”. Vì vậy, ông cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, ông Khánh đề nghị cần cơ chế sandbox để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới nhưng phải theo tư duy kiến tạo, chứ không theo tư duy quản lý làm sao cho nó không sai sót: “Như vậy chúng ta mới phát triển được kinh tế nền tảng”- ông Khánh góp ý.

Nền tảng tạo cơ hội thu nhập cao cho hàng nghìn người

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, bắt đầu từ việc hỗ trợ các tài xế taxi và xe ôm nền tảng số, Grab đã góp phần nâng cao hiệu suất chuyển hướng, hỗ trợ ngành du lịch, gia tăng tính an toàn và cung cấp phát triển đô thị. Không dừng lại ở lĩnh vực vận động, Grab mở rộng sang lĩnh vực vận tải (hậu cần) với dịch vụ GrabExpress, giúp tối ưu hóa giao nhận và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trong đại dịch và giai đoạn hậu COVID-19, GrabFood và GrabMart đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hàng, cửa hàng tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đồng thời tạo thêm cơ hội thu nhập cho các đối tác tài xế.

Ngày nay, Grab đã trở thành nền tảng được triệu người Việt Nam tin dùng, không chỉ trong lĩnh vực chuyển mà còn có nhiều dịch vụ khác, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Sự phát triển của các nền tảng như Grab không chỉ giúp tăng cường năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh doanh mà còn tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn, đóng vai trò quan trọng trong công việc tối ưu hóa nền kinh tế và cung cấp sự tăng trưởng bền vững.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-co-tu-duy-kien-tao-ho-tro-cac-san-pham-dich-vu-cong-nghe-moi-post835062.html
Zalo