Cần có mức xử phạt thật nặng các nền tảng xã hội cổ súy đua xe trái pháp luật
Nên có các quy định xử phạt hành chính đối với các nền tảng mạng xã hội để xảy ra tình trạng chia sẻ những hành vi vi phạm pháp luật. Cần phải có mức xử phạt thật nặng để bảo đảm các mạng xã hội nghiêm túc trong việc kiểm soát các video được đăng tải trên mạng xã hội...
Vấn nạn đua xe trái phép luôn là bài toán hóc búa, gây nhức nhối với cộng đồng xã hội. Những vụ đua xe trái phép ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm, đặc biệt khi phần lớn quái xế lại nằm trong một bộ phận giới trẻ tuổi vị thành niên...
Mới đây xảy ra trường hợp một cô gái bị đám “quái xế” tông trực diện tử vong gây đau xót trong dư luận. Rõ ràng, đằng sau những cuộc đua xe đua trái phép là hiểm họa và những hậu quả đau lòng.
Trong thời gian qua, sự phát triển của các mạng xã hội với nhiều những nội dung xấu độc, cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng hành vi trên. Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Viết Hà xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, pháp luật Việt Nam hiện đã có những quy định gì về hành vi tổ chức đua xe trái phép? Các hình thức xử phạt cụ thể cho hành vi này như thế nào, thưa ông?
Luật pháp Việt Nam quy định rõ về những hành vi đua xe trái phép. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 có quy định “Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng”.
Trong trường hợp hành vi đua xe trái phép chưa đến mức độ xử lý trách nhiệm hình sự thì căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 34 Nghị định 100/2019/ND-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 123/2021/ND-CP, mức xử phạt hiện quy định ở mức từ 10 tới 15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
Nếu hành vi đạt đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong trường hợp với hành vi đua xe nếu đủ cấu thành tội phạm hình sự có thể bị truy cứu với tội đua xe trái phép quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, tùy mức độ thiệt hại, tính chất nghiêm trọng khung hình phạt thấp nhất thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.
Nếu hành vi tổ chức đua xe trái phép nếu đủ cấu thành tội phạm hình sự có thể bị truy cứu với tội tổ chức đua xe trái phép quy định tại Điều 265 Bộ luật hình sự năm 2015 theo đó mức phạt thấp nhất thì bị phạt tiền từ 30 triệu tới 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp cao nhất có thể lên đến 20 năm hoặc xét đến tù chung thân.
Có thể thấy một số lượng lớn đối tượng tham gia đua xe đều là trẻ vị thành niên. Vậy với đối tượng này, pháp luật quy định hình thức xử lý khác biệt gì so với người đã đủ tuổi trưởng thành, thưa ông?
Theo Bộ luật hình sự quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo đó người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với một số tội phạm nhất định trong đó có tội đua xe, tội tổ chức đua xe tại Điều 265, 266 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, khi tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên pháp luật cũng có những khác biệt. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015 xác định “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù. Trong trường hợp có bản án tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Với những trường hợp đua xe gây hậu quả nghiêm trọng, như vụ việc cô gái trẻ vừa qua, pháp luật sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự ra sao, thưa ông?
Dựa vào thông tin được đăng tải trên báo chí trong thời gian quan, tôi thấy những đối tượng thực hiện đều có độ tuổi trên 18. Do đó, trường hợp này sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đầy đủ của người đã trưởng thành.
Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh, đối chất của lực lượng chức năng để truy cứu ở một trong các tội như Giết người quy định điều 123 Bộ luật hình sự, Tội đua xe trái phép quy định tại Điều 266, Tội tổ chức đua xe trái phép quy định điều 265, Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự và mức hình phạt sẽ tùy mức độ hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm.
Thưa ông, các nền tảng mảng xã hội đôi lúc đã cổ súy, thần tượng những kẻ đua xe trái pháp luật... Theo ông, pháp luật cần những quy định gì để ngăn ngừa hiện tượng này?
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội đều đã có những quy định cộng đồng riêng của mỗi ứng dụng. Tuy nhiên, thực tế tôi vẫn thấy rất nhiều video được chia sẻ có nội dung gây kích ứng tò mò, tạo ra cảm giác khiến các bạn trẻ suy nghĩ rằng làm vậy sẽ được xã hội thán phục, ngưỡng mộ. Đây chính là tác nhân khiến một bộ phận giới trẻ tổ chức đua xe, lạng lách đánh võng diễn ra ngày một nhiều hơn.
Do vậy, tôi khuyến nghị nên có các quy định xử phạt hành chính đối với các nền tảng mạng xã hội để xảy ra tình trạng chia sẻ những hành vi vi phạm pháp luật lên trên nền tảng của họ mà thiếu sự kiểm duyệt. Quan điểm của tôi cần phải có mức xử phạt thật nặng để bảo đảm các mạng xã hội nghiêm túc trong việc kiểm soát các video được đăng tải trên mạng xã hội của họ.
Thưa ông, các quy định pháp luật hiện đã đủ mạnh để ngăn ngừa và răn đe hành vi đua xe trái phép chưa? Theo ông, đâu là giải pháp phù hợp để hạn chế tình trạng đua xe trái phép ở Việt Nam?
Tôi nhận thấy quy định pháp luật hiện nay đã đủ tính chất răn đe. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, ở thời điểm hiện nay, phần nhiều đối tượng đua xe lại là các bạn trẻ. Do đó, việc quan trọng là phải làm sao thay đổi được nhận thức của các bạn trẻ.
Hơn ai hết, chính cha mẹ và gia đình của các bạn trẻ phải có trách nhiệm trong việc giáo dục dạy dỗ khi ở nhà. Song song đó, kết hợp với biện pháp giáo dục ở nhà trường và giáo dục tuyên truyền của toàn xã hội sẽ giúp nâng cao sự tự nhận thức của các bạn trẻ nhằm hạn chế tình trạng này.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện tượng đua xe trái phép vẫn tiếp diễn tại các đô thị lớn, bất chấp những nỗ lực kiểm soát của cơ quan chức năng.
Vấn đề này không chỉ xuất phát từ ý thức kém của một số thanh niên mà còn từ thái độ thiếu trách nhiệm của phụ huynh, những người thường đổ lỗi cho con tự ý lấy xe. Bởi nếu không có sự dung túng của người lớn, việc thanh thiếu niên có phương tiện để gây rối sẽ khó xảy ra.
Mặc dù đã có nhiều trường hợp phụ huynh bị xử phạt, việc áp dụng chế tài với người giám hộ vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó cần có biện pháp xử phạt mạnh hơn, như phạt tiền nặng hoặc tịch thu phương tiện.
Cần đảm bảo tính nhân văn của pháp luật và bảo vệ quyền lợi của thanh thiếu niên, nhưng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, manh động và coi thường tính mạng người khác, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh. Điều này không chỉ răn đe người vi phạm mà còn góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng.