Cần có mạng lưới ứng phó hiệu quả để bảo đảm an ninh phi truyền thống

Ngày 21-11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm 'Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu' với sự tham gia của các chuyên gia, học giả nghiên cứu về lĩnh vực này.

Các đại biểu dự tọa đàm

Các đại biểu dự tọa đàm

Cuộc tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cán bộ lãnh đạo quản lý của cả khu vực công và khu vực tư trong việc đảm bảo an ninh phi truyền thống (ANPTT).

Theo ý kiến các đại biểu, các thách thức ANPTT như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, an ninh mạng, an ninh nguồn nước… ngày càng tác động lớn đến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh mối đe dọa về quân sự, là sự tồn tại và xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia như thảm họa thiên nhiên, động đất, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh, hạn hán, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, những vấn đề tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...

Nguy cơ ANPTT nổi lên với ý nghĩa vừa là mối đe dọa chung đối với toàn nhân loại, vừa là phương tiện nhiều quốc gia lợi dụng để làm suy yếu an ninh của nhau. Thực tế đó cho thấy cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cán bộ lãnh đạo quản lý của cả khu vực công và khu vực tư trong việc đảm bảo ANPTT.

 Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tại tọa đàm, Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện ANPTT, Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ANPTT thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay.

Ví dụ trong năm 2024, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nguy cơ ANPTT mà gần đây nhất là thiên tai, bão lũ, vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến cơn bão Yagi đi qua các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Yên Bái và nhiều địa phương khác.

Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều cuộc tấn công mạng rất dữ dội nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn của chúng ta như PV Oil, chứng khoán VNDIRECT, Tổng công ty VNPost của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam…

Tất cả những vấn đề an ninh như thế này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm trong điều kiện đất nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Những nguy cơ đe dọa ANPTT trên thế giới xuất hiện ở Việt Nam rất nhiều. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có khoảng 30 nguy cơ đe dọa ANPTT đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay”, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm nêu.

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm cũng chỉ ra 5 nguy cơ đang nổi lên đe dọa ANPTT cần phải lưu tâm. Thứ nhất, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia. Đây là vấn đề xuất hiện ở Việt Nam và nổi lên rất mạnh trong thời gian gần đây như tội phạm ma túy xuyên quốc gia, mua bán người xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia.

Thứ hai, an ninh kinh tế của Việt Nam. Nguy cơ chệch hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình kể cả tại các địa phương, thành phố có mức tăng kinh tế lớn. Vấn đề nợ công của Nhà nước, địa phương, tội phạm vi phạm về kinh tế, nguy cơ đe dọa an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp.

Thứ ba, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước. Đây là vấn đề gắn liền với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên mà chúng ta vừa chứng kiến một ví dụ là cơn bão Yagi vừa qua.

Thứ tư, an ninh y tế, an ninh sức khỏe liên quan an toàn của các cơ sở y tế, an ninh dân số, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, an toàn thực phẩm…

Thứ năm, các nguy cơ đe dọa về an ninh mạng và an ninh mạng xã hội. Đây là một trong những loại tội phạm tăng trưởng nhanh nhất trong các loại tội phạm của Việt Nam.

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Nhà nước đã tổng kết đại dịch làm thiệt hại tới 500.000 tỷ đồng. Trong cơn bão Yagi, tỉnh Yên Bái thu nhập cả tỉnh 2023 đạt 4.100 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 tuần bão lũ, sạt lở..., tỉnh Yên Bái đã thiệt hại tới 4.600 tỷ đồng, làm giảm sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng của đất nước.

Các đại biểu đều cho rằng, ANPTT khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả. Đối với ANPTT, một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.

Vì vậy, cần có một chiến lược tổng thể và đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý ANPTT. Điều này bao gồm công tác đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh tuyên truyền, kiến thức về ANPTT cần được phổ cập đến toàn dân, dựa trên phương châm "ba sẵn sàng, bốn tại chỗ". Cùng với đó, những kinh nghiệm hay cần được tổng kết và nhân rộng để tạo thành mạng lưới ứng phó hiệu quả.

Song song đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước trong lĩnh vực này, vì chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường, mục tiêu chung là đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-co-mang-luoi-ung-pho-hieu-qua-de-bao-dam-an-ninh-phi-truyen-thong-post769368.html
Zalo