Cần có lộ trình bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất 10%. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng các tác động và có lộ trình áp dụng phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị về tài chính hoặc điều chỉnh công thức sản phẩm....

Tọa đàm Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát.

Tọa đàm Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát.

Chiều 4/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát. Tọa đàm do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chủ trì.

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nêu rõ mục đích của việc sửa đổi là thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, đề xuất bổ sung nước giải khát có đường là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như trong dự thảo làm nhiều chuyên gia băn khoăn. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội), nguyên nhân gây thừa cân béo phì là do thói quen ít vận động, di truyền, bệnh lý, thói quen tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo, protein, lượng muối cao và giàu năng lượng.

"Chúng ta cũng không nên đơn thuần coi việc tiêu thụ đường hay một sản phẩm cụ thể nào là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì". Ông Dũng nhấn mạnh.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) năm 2023 cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn so với học sinh khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn của trẻ em khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, hoàn toàn chưa có cơ sở để khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì.

Theo thống kê của WHO, tại các quốc gia như: Hungary, Pháp và Mexico đã áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, nhưng tỷ lệ dân số béo phì và thừa cân vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua.

Tại Việt Nam, việc này cần được thực hiện một cách thận trọng và có những đánh giá tác động cũng như cơ sở khoa học để chứng minh. Nếu "cứng nhắc" áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên một nhóm sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml, có thể sẽ dẫn đến nguy cơ gây hiểu lầm, khiến người dùng chuyển sang tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường tương tự hoặc thậm chí còn cao hơn không bị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm tăng trưởng cho thấy, doanh nghiệp cần ít nhất 24 tháng để có thời gian phát triển sản phẩm mới, điều chỉnh quy trình sản xuất, các giải pháp kinh doanh và cân đối tài chính đáp ứng yêu cầu của chính sách.

Việc mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân là sự cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần có nghiên cứu, đánh giá tác động một cách đầy đủ và toàn diện, có lộ trình phù hợp, tránh tạo "cú sốc" cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và tránh các tác động không tốt tới người tiêu dùng, xã hội. Một vấn đề quan trọng nữa là Luật phải bảo đảm các nguyên tắc của chính sách thuế là xác định đúng đối tượng, hợp lý, công bằng và hiệu quả.

Ngọc Thủy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-co-lo-trinh-bo-sung-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-post870199.html
Zalo