Cần có học bổng khuyến khích từ nhà nước để lĩnh vực nghệ thuật thu hút SV

Nhà nước nên dành học bổng khuyến khích cho người học khối ngành nghệ thuật đặc thù để tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo và nguồn nhân lực phát triển.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục đang nhận được nhiều ý kiến góp ý từ nhiều lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Trong đó có điểm mới nổi bật là bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 8 đối tượng cấp học bổng khuyến khích học tập là: “Sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Giáo dục đang học các chương trình đào tạo để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Đồng thời, bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 8 về nguồn cấp học bổng khuyến khích học tập. Theo đó, nhà nước cấp học bổng cho đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8. Kinh phí cấp học bổng được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Dự thảo Nghị định bổ sung quy định cụ thể về mức học bổng, nguyên tắc hưởng và phương thức chi trả học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng nêu trên.

Học bổng khuyến khích từ nhà nước là rất cần thiết để lĩnh vực nghệ thuật phát triển

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Lê Chung – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế bày tỏ, một trong những yếu tố để hỗ trợ, thúc đẩy tài năng trẻ phát triển là học bổng. Đặc biệt là đối với khối ngành nghệ thuật, dù có đam mê nhưng không phải ai cũng có chi phí để theo đuổi được nó.

Vậy nên, bên cạnh những ngành công nghiệp mới, rất cần học bổng khuyến khích từ nhà nước cho người học khối ngành nghệ thuật đặc thù.

Trên thực tế, không giống như nhiều ngành nghề khác, những ngành nghề thuật như nghệ thuật đương đại đòi hỏi tốn khá nhiều chi phí nguyên vật liệu, … để làm ra các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Vậy nên, việc có học bổng khuyến khích từ nhà nước với sinh viên khối ngành này là rất quan trọng. Qua đó đã tạo chính sách thu hút đầu vào cho khối các trường đào tạo ngành nghệ thuật.

Những học bổng khuyến khích này nên có theo từng giai đoạn đối với từng ngành, chuyên ngành, như trong 5 năm hay 10 năm đầu mới mở ngành. Sau đó lại tiếp tục chuyển sang học bổng khuyến khích học tập cho những ngành học khác phù hợp hơn với bối cảnh thực tế ở thời điểm đó.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế).

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế).

Ngoài ra, thầy Chung cho rằng, việc có học bổng là rất cần thiết nhưng học bổng cũng phải đảm bảo đủ sức hút mới khuyến khích, gia tăng số người mạnh dạn lựa chọn đăng ký vào ngành.

Tuy nhiên việc phân bổ học bổng thế nào cho hợp lý với đối tượng từng vùng, từng khu vực, từng dạng đối tượng cũng cần được lưu tâm. Chính sách học bổng ban hành phải có sự đánh giá giữa các địa phương, đặc biệt là những địa phương có ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa nghệ thuật.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho rằng, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều muốn có học bổng khuyến khích học tập từ nhà nước cho sinh viên. Đặc biệt là đối với những ngành nghệ thuật đặc thuật thù vốn chưa được quan tâm nhiều nên rất vất vả khi chưa có chính sách ưu tiên cho người học bởi các phương tiện hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị cũng tốn kém nhiều.

Trong khi đó, lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật đang giữ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đất nước.

Vậy nên, thầy Cường cho rằng, nếu nhà nước nên dành học bổng khuyến khích cho người học khối ngành nghệ thuật đặc thù sẽ tạo thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực này được duy trì và phát triển tốt hơn, nhất là trong công tác tuyển sinh và đào tạo.

Từ đó, giúp phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù. Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội bày tỏ, việc cấp học bổng khuyến khích học tập cho các ngành công nghiệp mới là hợp lý bởi đây là những ngành mới và tương đối đặc biệt, phù hợp với bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay của nước ta.

Tuy nhiên, theo thầy Thành, hiện nay cả nước đang hướng tới phục hưng, ưu tiên phát triển những ngành nghệ thuật đặc thù. Và những cơ sở đào tạo chính là đơn vị có thể “sản xuất” ra được những nghệ sĩ trẻ, đầu tư cho những ngành nghệ thuật đặc thù phát triển mạnh mẽ.

Vậy nên, bên cạnh những ngành về lĩnh vực khoa học công nghệ như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, …, rất cần quỹ học bổng của nhà nước nhằm khuyến khích người học vào khối các ngành nghệ thuật đặc thù, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, định hướng phát triển đó của nước ta.

Thầy Thành khẳng định, nếu có thêm phần học bổng này sẽ thể được tính nhân đạo cũng như tính truyền thống cao khi góp phần lưu giữ được những giá trị, văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một do thiếu nguồn nhân lực.

Mặt khác, theo thầy Thành, lĩnh vực du lịch, thể thao, văn hóa nghệ thuật đang được xác định và đẩy mạnh để những ngành này trở thành loại hình công nghiệp đặc biệt. Hơn nữa, nhiều nước phát triển trên thế giới từ nhiều năm qua đã biến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trở thành ngành công nghiệp và đem lại nhiều lợi ích về dịch vụ cũng như kinh tế cho đất nước.

“Phải chăng chúng ta cũng nên xem khối ngành nghệ thuật đặc thù là những ngành công nghiệp mới và đưa ra những chính sách để thu hút người học đăng ký tham gia, lựa chọn. Bởi, từ những động viên ban đầu mới có được thành quả phía sau”, thầy Thành bày tỏ.

Cần thiết giảm mức học bổng từ nguồn thu học phí nhưng cần hỗ trợ từ nhà nước

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP về nguồn hình thành học bổng khuyến khích học tập đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập có điều chỉnh quy định.

Một trong những phương án được đưa ra là, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập, tức giảm 3% so với quy định hiện hành tại Nghị định 84/2020/NĐ-CP.

 Sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Website Nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Website Nhà trường).

Thầy Chung cho rằng, nguồn thu của các trường đại học hiện nay dựa vào học phí là chính. Do đó, việc trích 8% nguồn thu học phí đối với các trường là khá cao và nên giảm xuống còn 5% như vậy để bớt khó khăn cho các trường.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học cần có thêm học bổng đa dạng từ các nguồn xã hội hóa cũng như tự cân đối nguồn thu để khuyến khích để hỗ trợ cho những ngành mới, ngành đặc thù.

Đối với điểm mới về việc giảm mức học bổng cho sinh viên được trích từ nguồn thu học phí giảm từ 8% xuống 5%, thầy Cường cho hay, việc giảm này sẽ phù hợp nhất để khắc phục một số bất cập của nhiều trường đại học đã tự chủ.

Tất nhiên, song song với đó, nếu được nhà nước hỗ trợ phần học bổng tối thiểu 3% đã giảm để vẫn đảm bảo được mức 8% như quy định hiện hành sẽ là rất tốt để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-co-hoc-bong-khuyen-khich-tu-nha-nuoc-de-linh-vuc-nghe-thuat-thu-hut-sv-post247006.gd
Zalo